DetailController

Nhà hàng, quán ăn

Văn hoá rượu cần của người Mường ở Hoà Bình

14/12/2023 16:30
Rượu cần, tiếng Mường gọi là “Ra̭w Toỏng”. Không ai biết chắc là người Mường biết làm rượu cần từ bao giờ, chỉ biết rằng nó là thức uống có men được dùng trong đời sống của họ từ lâu đời và nó ra đời từ bàn tay khéo léo, trí thông minh và sự đức hạnh của người phụ nữ Mường. Uống rượu cần người Mường dường như chúng ta được thưởng thức một nét văn hóa đặc sắc chứa chan tình người nồng ấm. Rượu cần được dùng để uống trong gia đình, uống trong cuộc vui tiếp khách, uống trong đám cưới, mừng nhà mới, thờ cúng trong lễ tang, lễ tạ mộ và một số nghi lễ khác.
Một cuộc tiếp khách đến nhà chơi bằng rượu cần trên ngôi nhà sàn truyền thống  của người Mường Hoà Bình

Cách làm Rượu cần của Người Mường

Cũng như những loại rượu khác, thứ quan trọng nhất quyết định rượu ngon hay không chính là men rượu. Men rượu giống như linh hồn của vò rượu, thứ men ngon nhất từ trước tới nay mà người Mường hay dùng là men lá, một loại men chế biến từ lá cây trên rừng, từ những nguyên liệu đặc biệt như: ớt, gừng, riềng, lá mít, lá ổi và nhiều lá cây rừng như lá mâm xôi, vỏ long não, dây thảo quả rừng, lá lọt núi... và một thành phần không thiếu là vỏ cây gỗ mun đã làm ra thứ rượu ngọt ngào, có lợi cho sức khỏe mang giá trị tinh thần và văn hóa cộng đồng sâu sắc.

Nguyên liệu đồ rượu cần gồm gạo nếp, trấu và men rượu. Gạo nếp được ngâm qua một đêm để mềm, trấu thì phải rửa thật sạch, phơi khô sau đó trộn đều tất cả gạo, trấu với nhau cho vào đồ (đun lên). Sau khi đồ chín gạo thành cơm thì cho ra để nguội rồi mới trộn men vào và tiếp tục ủ một đêm để lên men (để men rượu ngấm hết vào cơm, trấu). Người trộn men phải làm sao cho men thật đều, ngấm vào từng hạt cơm, hạt trấu. Có như thế rượu mới dùng được lâu. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ không đủ ấm thì rượu sẽ không lên men được và toàn bộ các công đoạn trước coi như bỏ đi hết. Có cố làm tiếp thì rượu cũng chua, nhạt, không uống được. Khi rượu lên men thành công thì người ta sẽ cho vào vò ủ rượu chờ đến lúc uống được. Vò ủ phải được đậy kín để tránh không khí làm hỏng rượu. Vào mùa nóng thì chỉ khoảng 20 ngày là chất rượu đã ngọt nhưng mùa lạnh thì phải hơn một tháng mới có thể dùng được.

Một trong những sắm sửa công phu và quan trọng của người Mường đó chính là vò đựng rượu, đối với vò đựng rượu đôi khi còn quan trọng hơn cả việc sắm Chiêng, họ tự hào khi sắm được nhiều vò đựng rượu to, đẹp. Vì giá trị của mỗi vò đụng rượu trước đây đối với người Mường là rất lớn. Nó còn biểu hiện cho cả sự giàu có của mỗi gia đình, bởi có những vò rượu phải đổi cả con trâu mộng, bò mộng. Vò đựng rượu thực sự trở thành của quý của mỗi gia đình. Trong khúc “mo cuổi lìa” đau thương của người Mường khi có người qua đời, ông Mo thay lời người quá cố mà Mo rằng:

Lìa con ta như trâu lìa chạc

Như mác lìa đao

Như mũi lao lìa cán

Như tấm ván lìa vách nhà

Như cây cà lìa trái

Lìa hết đường cấy, sá hái ngoài đồng

Lìa hết “khôông rạo cá” (Lìa hết vò rượu lớn)…

Và tới lúc còn cái họ hàng sắp tiễn biệt lần cuối trong lễ “dọn đồ mo đi” họ không được quên chia vò rượu đẹp cho người quá cố lấy “vía” mang về Mường Ma cùng với nhiều thứ khác để gây dựng cuộc sống ở thế giới Mường Ma.

Trong đời sống hàng ngày họ bảo quản cất giữ vò rượu rất kỹ càng. Nhiều gia đình còn đan một lớp nan tre thưa để bọc bên ngoài vò rượu một cách cẩn thận.

Cách uống Rượu Cần của Người Mường

Làm rượu cần vốn đã cầu kỳ, người Mường uống rượu cũng cầu kỳ không kém. Có nhiều hình thức tổ chức uống rượu cần, tiêu biểu là uống xúm lúm - nội bộ gia đình uống với nhau và rượu cần cộng đồng Mường bản - rượu được uống với đông đảo người trong mường tham gia. Xúm lúm có nghĩa là không muốn cho người ngoài biết một sự việc gì đó, chỉ những người có mặt ở đó cùng biết với nhau thôi. Rượu cần được mang uống xúm lúm với nhau vào buổi trưa nắng, giờ giải lao hoặc buổi tối uống cho đã thèm, đỡ mệt. Ai uống bao nhiêu thì uống chứ không theo luật tục nào. Thường họ hay ngồi uống ở ngay góc bếp nhà sàn, cạnh đó là bộ đồ uống trà, hút thuốc lào. Trước khi uống hướng tất cả cần rượu về phía bếp một lúc với ngầm ý để ba vị vua bếp uống trước, sau đó người mới được uống.

Với cách uống theo cộng đồng bản thì cảnh rượu cần phải được để giữa nhà, gian chính, những cần trúc ngửa mặt lên trời thăm ống. Họ cử ra một anh điều khiển cuộc vui gọi “nhà Trám”. Anh này cũng trực tiếp đong nước vào vò rượu cần cho mọi người uống và tính điểm uống thi như một trọng tài. Cuộc vui có sinh động hay không, một phần nhờ vào vai trò của Nhà Trám. Đầu tiên người ta sẽ mời uống "Thăm khoe". Có nghĩa là uống thử xem chất lượng của rượu như thế nào, bởi vò rượu cần uống càng lâu sẽ càng nhạt đi, chỉ có lúc đầu mới phản ứng đúng chất lượng của nó. Tuần uống "Thăm khoe" thường cả chục người chỉ uống chung nhau lượng rượu chỉ bằng một gáo, thường là đàn ông uống trước, đàn bà uống sau. Mọi người ngồi quây quần xung quanh vò rượu nhưng vẫn theo thứ tự trên dưới của quan hệ tuổi tác, họ hàng. Người vai cao tuổi ngồi trên, vai thấp ngồi dưới. Khi uống"Thăm khoe" xong cuộc rượu lại tiếp tục. Họ phải làm như thế nào để cuộc rượu thật vui, cho đẹp lòng chủ nhà. Họ quan niệm: "Rượu ở trong nhà là rượu của chủ, còn rượu đã mang ra uống giữa nhà là rượu của khách. Khách phải có bổn phận làm vui cho chủ nhà”. Muốn thật vui thì phải chia làm hai phe để uống thi với nhau. Chia phe xong họ bắt đầu uống theo luật để tính sự hơn kém nhau về lượng uống được trong cùng một đơn vị thời gian. Thời gian không phải tính bằng đồng hồ mà chủ yếu là tính lượng nước trong gáo chảy qua lỗ thủng xuống vò rượu. Bên nào uống thua điểm thì bị phạt uống thêm. Luật rượu còn một số biến thể khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là uống thi nhau, từ đó có cớ phạt nhau cho vui. Khách ra về trong khi vò rượu chưa nhạt sẽ làm cả chủ lẫn khách cảm thấy áy náy vì làm niềm vui chưa trọn vẹn, phí rượu của chủ nhà. Ngoài ra, người Nhà Trám phải thuần thục và tỉnh táo khi tiếp rượu để đi đúng vòng miệng cảnh, theo vòng kim đồng hồ. Nếu như làm sai nghi lễ rượu sẽ hỏng và năm đó sẽ mất mùa.

Từ xa xưa, cần được làm bằng cây trúc hoặc thông nòng (rỗng ống). Ống rỗng còn đang tươi được hơ qua lửa rồi đem uốn tạo thành hình dáng tuỳ theo độ cong lượn của vò rượu. Đặc biệt, dáng của những chiếc cần phụ thuộc vào tính cách của người chủ nên không bộ cần nào giống bộ cần nào. Bình đựng rượu cần là vật gia bảo, càng lâu càng trở thành quý hiếm và coi như một thứ của hồi môn. Để có được một vò rượu cần ngon thì từ cách làm đến cách uống phải thật công phu. Tục uống rượu cần thường có các cặp: chẵn đi với chẵn, lẻ đi với lẻ, dùng hai hoặc ba cần một lúc. Rượu hết đến đâu nước lại được cho thêm vào miệng vò sao cho mặt nước cho trong vò rượu lúc nào cũng mấp mé chực tràn miệng vò.

Tục uống rượu cần thể hiện cách uống rượu theo hội, nhóm sum vầy. Mọi người cùng vui cái vui của phong tục bản Mường. Nếu có khách, chủ nhà trải chiếu vuông vắn giữa sàn rồi bưng vò rượu đặt chính giữa chiếu sau đó mời tất cả những người có mặt trong nhà ngồi vòng quanh. Sau những lời hỏi thăm sức khoẻ gia đình, quê quán, chủ nhà mời tất cả cùng chụm môi uống “của vườn, của suối cho bớt mệt nhọc đường xa”. Người Mường gọi đấy là uống bước một (cũng gọi là uống thông cần). Tiếp theo là uống đôi (chủ và khách), uống nam nữ, uống bốn người, uống sáu người và nhiều người nữa. Họ vừa uống vừa hát, hỏi thăm, hát mời, hát tiễn đưa, hát hẹn ước. Ngày nay, rượu cần đã trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ riêng đối với Hoà Bình mà đã có thương hiệu trên toàn quốc được nhiều thực khách tìm kiếm thưởng thức.

Rượu cần đã đi vào đời sống của người Mường như một thành tố văn hoá không thể thiếu nên được người mường rất coi trọng và phổ biến trong cuộc sống thường nhật hàng ngày và đã trở thành một di sản văn hoá độc đáo xuyên suốt quá trình phát triển từ ngàn đời xưa cho đến ngày nay của dân tộc Mường.