Du khách khi đến vùng Mường Hoà Bình mà chưa được ăn gỏi cá là chưa đến với Mường, với bản, chưa hiểu cách thức sinh hoạt ẩm thực của người dân. Gỏi cá ngoài là một món ăn thường ngày nó còn là một bài thuốc chữa bệnh đường ruột, đặc biệt là bệnh tiêu chảy bởi sự kết hợp giữa các loại lá cây, các gia vị như một bài thuốc nam.
Người Mường Hoà Bình có nhiều cách chế biến gỏi, đối với người Mường Thịnh Lang gỏi được làm từ loại cá mè to còn sống, cá càng to càng dễ làm. Nguyên liệu chế biến gồm rất nhiều các loại lá như: lá sung non, lá đinh lăng, lá mơ, lá lốt, lá dầu mọ, sương sông, hoa chuối, các loại rau thơm, quả sung non, ngô rang, muối, hạt dổi, mẻ và một số gia vị khác. Cách chế biến gồm các giai đoạn: Cá bắt về ngâm trong nước từ một đến hai tiếng đồng hồ, sau đó mổ moi toàn bộ ruột, đánh vẩy, rửa sạch lọc lấy thịt nạc ở hai lườn sau đó cho vào thùng gạo cho thấm nước hoặc quấn báo để khô.
Cá lọc xong, thái thành từng lát mỏng cho vào bát to rồi vắt chanh bóp nhẹ để một lúc bóp hết nước chanh cho thính ngô, xả vào trộn đều với các loại lá kể trên (các loại lá, râu thơm, quả sung và hoa chuối phải ngâm qua nước muối khoảng 10 – 15 phút, để ráo nước rồi đem thái nhỏ). Mẻ phải đun sôi, hạt dổi đem nướng rồi dã nhỏ trộn đều với cá. Món gỏi này phải được ăn ngay sau khi làm, do đó phải chuẩn bị đầy đủ, khi nào ăn mới đem trộn cá với các gia vị.
Nhâm nhi ly rượu ngô cất nồng nàn ăn một miếng gỏi cá mát lịm quện với mùi thơm thính ngô, vị chua chua của mẻ, tương hoà cùng mùi thơm bùi của các loại lá, quả Tây bắc. Món gỏi cá Thịnh Lang đã góp phần làm tăng thêm sự đa dạng và phong phú cho văn hoá ẩm thực của đồng bào Mường Hoà Bình. Hương vị đậm đà của núi rừng đã để lại cảm giác khó quên cho nhiều thực khách.