DetailController

Nhà hàng, quán ăn

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái huyện Mai Châu - di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

15/12/2023 15:23
Nói đến người Thái ở huyện vùng cao Mai Châu của tỉnh Hoà Bình thì Keeng Loóng là một phần sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây, đặc biệt trong các dịp lễ hội như: Lễ mừng cơm mới, lễ Xên bản, Xên mường, lễ Chá chiêng, Tết Nguyên đán... góp phần nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn người Thái trên địa bàn.
Keng Loóng được người dân sử dụng như một lời chào đến với những du khách gần xa

Người Thái là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nên sinh hoạt văn hóa Keng Loóng gắn liền với quá trình sản xuất nông nghiệp của họ từ sớm, có ý nghĩa quan trọng, phản ánh đặc điểm xã hội, đời sống tâm linh và thực hành tín ngưỡng.

Theo các nghệ nhân dân gian đều cho rằng: “Keng” là “gõ”, “Loóng” là chiếc máng bằng gỗ lớn, nhiều năm tuổi, đủ độ già, chắc chắn, tiếng vang, thanh. Người ta chọn cây to, thẳng, được chặt thành khúc, tùy theo người muốn làm Loóng to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. “Keng Loóng” là hành động cầm chày gõ vào máng trong lao động cũng như diễn tấu trong lễ nghi, tín ngưỡng. Mặt khác ta có thể hiểu “Keng Loóng” là tổng thể những phương thức, hình thức, thủ pháp, kỹ thuật diễn tấu Keng Loóng.

Phương thức diễn tấu: Phổ biến nhất là những người gõ đứng thành từng đôi quay mặt vào nhau. Tập thể nhiều người cùng gõ đòi hỏi phải tuân theo những quy định chặt chẽ. Những người tham gia diễn tấu phải nắm vững quy định này, chỉ cần một người hoặc một đôi gõ sai là cả đội hình Keng Loóng sẽ lộn xộn ngay.

Tư thế diễn tấu: Diễn tấu Loóng có thể ở nhiều tư thế như đứng thẳng, cúi khom lưng vừa phải, cúi khom lưng thấp xuống.

Động tác diễn tấu: Có 5 động tác cơ bản là: Giã (đâm thẳng đầu chày xuống giữa lòng Loóng hoặc thành Loóng ở phía đối diện người chơi); Gõ (gõ cạnh đầu chày vào thành Loóng ở cùng phía người chơi); Chọi (dùng hai cạnh của đầu chày chọi với nhau); Dập (đặt chày nằm ngang Loóng dập xuống mặt Loóng); Va (đặt chày nằm ngang Loóng rồi va hai chày vào nhau).

Keng Loóng xuất phát từ cuộc sống lao động của người Thái Mai Châu, với người phụ nữ dân tộc Thái, giã gạo là việc làm thường xuyên, quen thuộc hàng ngày. Trong khi giã gạo, họ thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương, rẫy. Ngoài chức năng là một công cụ lao động, Loóng là một loại nhạc cụ độc đáo. Trải qua thời gian dài gắn liền với đời sống người Thái, sinh hoạt văn hóa Keng Loóng đã trở thành một hình thức nghệ thuật. Trong đó đã định hình các yếu tố như cơ cấu tổ chức người diễn tấu, điều kiện diễn tấu, phương thức, kỹ thuật diễn tấu, nguyên tắc âm nhạc, bài bản. Keeng Loóng có nhiều điệu như mừng cưới, mừng cơm mới, chọi gà, nhật thực... kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạptất cả yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên những âm hưởng giàu cảm xúc, cuốn hút người nghe, thể hiện tài năng của người Keng Loóng. Âm thanh, nhịp điệu của Keeng Loóng trong những lúc vui luôn nhộn nhịp, tưng bừng, vang vọng bản làng, thúc giục lòng người dù đang làm gì, ở đâu cũng tìm đến chung vui. Số lượng người Keeng Loóng phụ thuộc vào Loóng dài, ngắn, hoặc tùy từng thời điểm hoàn cảnh để chia người Keeng Loóng.

Chiếc Loóng đã gắn bó với gia đình người Thái bao thế hệ. Loóng giúp họ có bát cơm ngon và cũng đã tham gia vào những ngày vui, ngày hội của nhà, của bản làng. Dấu ấn thời gian đã làm cho Loóng trở nên một đồ vật cũ kỹ nhưng âm thanh vang vọng của nó vẫn quen thuộc với mỗi người dân Thái nơi đây. Trong cuộc sống hôm nay, các gia đình không còn dùng Loóng để giã gạo, song Loóng vẫn luôn là người bạn gần gũi, thân thiết trong đời sống tinh thần của người dân. Nhất là trong dịp vui như lễ mừng nhà mới, mừng cơm mới, ngày hội đại đoàn kết toàn dân cũng Keng Lóng. Những năm gần đây dịp đầu xuân trong lễ hội Xên mường, phần trình diễn Keng Loóng của phụ nữ Thái luôn để lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách. Âm thanh Keng Loóng rộn rã, vang vọng như muốn gọi núi rừng bừng tỉnh sau những ngày đông giá rét; gọi ông mặt trời thức giấc xua tan sương mù bao phủ, soi rọi ánh nắng lung linh sưởi ấm bản làng. Keng Loóng cũng mời gọi dân bản xích lại gần nhau; gọi các chàng trai, cô gái tìm đến với nhau trong ngày hội xuân để cất lên những tiếng lòng thiết tha: “Đêm về anh năng nhìn trăng/ Trăng ở đâu vía em ở đó/ Ta xa nhau như quả chua xa muối/ Ta xa nhau như thuyền xa bến/ Xa nhau như mạ lạc bờ anh ơi”...

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu là Di sản văn hóa phi vật thể mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Các yếu tố như: Tính cộng đồng, cộng cảm; sự gắn kết với thiên nhiên cùng kết cấu vật ú làng, bản - nhà sàn; lễ thức, nghi lễ truyền thống. Ba yếu tố này luôn song hành cùng nhau làm nên nét độc đáo trong không gian sinh hoạt văn hóa Keng Loóng.

Hiện nay, tại khắp các bản làng người Thái trên địa bàn huyện Mai Châu, Keng Loóng được người dân sử dụng như một lời chào đến với những du khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Thái là việc làm rất cần thiết, để các giá trị đó không ngừng được phổ biến, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân.

Việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo này vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình mà còn giúp huyện Mai Châu - chủ thể của di sản có chính sách cụ thể để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị và tăng cường quảng bá, giới thiệu, góp phần phát triển du lịch địa phương.