DetailController

Nông dân LĐ giỏi

Tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho các hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh

22/09/2022 00:00
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân về đào tạo nghề có chuyển biến tích cực. Từ chỗ người dân học theo phong trào, học chỉ để cho biết chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất thu nhập cao hơn từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hội Nông dân huyện Lạc Thủy tổ chức Khai giảng Lớp đào tạo nghề “Nuôi và phòng trị bệnh trâu, bò” cho 25 hội viên, nông dân tại xã Phú Nghĩa

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác dạy nghề cho hội viên nông dân. Công tác lãnh đạo chỉ đạo của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh ngày càng hiệu quả, số hội viên nông dân đăng ký học nghề tăng qua các năm, số lao động học nghề có việc làm ổn định ngày càng cao; hội viên nông dân sau học nghề đã biết tiếp cận và vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, biết cách giảm chi phí, tăng năng xuất lao động, nhiều nông dân sau học nghề có tay nghề cao vào làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy… Từ đó nâng cao thu nhập cho bản thân, ổn định cuộc sống góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề cho nông dân nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm. Trên cơ sở đó, các cấp Hội phối hợp, liên kết với các đơn vị tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Trong 10 năm qua (từ năm 2012 – 2022) các cấp Hội phối hợp tổ chức 330 lớp cho 9.835 lao động nông thôn, trong đó Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp tổ chức 66 lớp dạy nghề với 1.963 lao động nông thôn với các ngành nghề trồng và chăm sóc cây có múi, chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng rau an toàn….

Hình thức đào tạo nghề được đa dạng hóa, đào tạo tập trung tại các điểm cụm của huyện; đào tạo lưu động tại các xã, phường, thị trấn. Các lớp đào tạo nghề mở tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm, cũng như kinh nghiệm của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Với việc quan tâm đến công tác dạy nghề, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã giúp nhiều hội viên nông dân vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Nhiều hộ nông dân nghèo thay đổi tư duy kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đến nay toàn tỉnh có trên 36.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Thúy Ngân (xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy) với mô hình chăn nuôi bò sữa thu nhập bình quân đạt 1,1 tỷ/năm; hộ ông Đinh Công Sử (xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn) với mô hình chăn nuôi gà, trâu bò sinh sản kết hợp trồng cây ăn quả, trồng rừng sản xuất thu nhập bình quân trên 1,5 tỷ/năm; hộ ông Nguyễn Quốc Thú (xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình) với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp trồng rừng thu nhập bình quân trên 2,1 tỷ đồng/năm; hộ ông Bùi Văn Tường (xã Sào Báy, huyện Kim Bôi) với mô hình trồng Thanh long ruột đỏ thu nhập bình quân trên 900 triệu đồng/năm…

Để công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân đạt hiệu quả, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn chú trọng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, HTX; hỗ trợ vay vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân và tín chấp, nhận ủy thác từ các ngân hàng giúp nông dân vay vốn đầu tư sản xuất và tái sản xuất; tổ chức kết nối, ký kết liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; quảng bá giới thiệu sản phẩm.  

Từ việc tham gia các lớp đào tạo nghề, hội viên nông dân cũng từng bước từ bỏ các thói quen canh tác cũ chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều học viên sáng tạo, mạnh dạn triển khai vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt 85%, sau thời gian học nghề, các học viên đã được các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất lớn có nhu cầu tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó, gắn đào tạo nghề với định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, quy mô sản xuất; gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm của doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động kết nối giữa nông dân với các đơn vị tiêu thụ nông sản./.