DetailController

Nông dân LĐ giỏi

Người phụ nữ tâm huyết với thổ cẩm Mường

28/10/2011 00:00
Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc nói chung và người Mường nói riêng. Nhưng trong những năm gần đây, bên cạnh sự đi lên của nền kinh tế, hàng hóa từ Trung Quốc ngập tràn trên thị trường với mẫu mã và giá cả phong phú đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách ăn mặc hàng ngày của đồng bào, kéo theo đó là nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm truyền thống của của dân tộc Mường.
Chị Phương đang hướng dẫn chị em tại HTX dệt may Vọng Ngàn.

Là một người phụ nữ Mường Bi, đã từng công tác tại Phòng văn hóa thông tin của huyện Tân Lạc. Nay đã về nghỉ hưu, chị Bùi Thị Lan Phương, xã Mãn Đức, đã nhiều đêm trăn trở, nung nấu ước mơ khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với lòng đam mê cháy bỏng cộng với sự quyết tâm, được sự giúp đỡ của chồng là anh Đinh Công Sằn, chị Phương đã mạnh dạn đứng lên vận động chị em phụ nữ ở trong xã, trong huyện thành lập nên HTX dệt thổ cẩm Vọng Ngàn, vừa để lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, lại tạo được việc làm thêm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ trong những lúc nông nhàn.

     Trò chuyện với chúng tôi chị Phương cho biết: "Thổ cẩm của người Mường mang đậm màu sắc hoa văn của núi rừng và thiên nhiên, tuy không cầu kỳ nhưng lại gắn liền với tình yêu thiên nhiên và con người Hòa Bình. Từ nhỏ, mỗi khi thấy bà và mẹ ngồi dệt thổ cẩm mình thấy thích lắm, mình yêu mến nét hoa văn tinh tế trên trang phục của người phụ nữ dân tộc Mường và cảm thấy xót xa nếu nghề dệt thổ cẩm trở nên mờ nhạt trong đời sống của người dân bản địa. Mình quyết tâm khôi phục và gìn giữ cho được nghề dệt thổ cẩm để truyền dạy cho con cháu”.

      HTX dệt thổ cẩm Vọng Ngàn được thành lập năm 2008, đứng tên anh Đinh Công Sằn ( Chồng chị ) làm chủ nhiệm. Những ngày đầu hoạt động đã không tránh khỏi những khó khăn, vất vả cả về đội ngũ thợ dệt lẫn nguồn kinh phí đầu tư, cả HTX chỉ có 13 khung dệt với 8 xã viên. Trải qua 4 năm hoạt động, đến nay HTX Vọng Ngàn ngày càng ổn định và phát triển mạnh với 115 xã viên chính thức với nguồn vốn điều lệ hiện nay khoảng 3 tỷ đồng. HTX Vọng Ngàn được đánh giá là một trong những đơn vị kinh tế tập thể điển hình của huyện Tân Lạc, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho xã viên và lao động thời vụ địa phương với mức thu nhập trung bình của lao động dệt từ 8 trăm đến 1 triệu đồng/người/ tháng, lao động may từ 1,5 triệu - 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn huy động hợp lý sức lao động của người già, người tàn tật và trẻ nhỏ, mang lại luồng sinh khí mới cho hàng trăm gia đình huyện Tân Lạc. Điển hình như chị Bùi Thị Kem ở xóm Cóm, xã Đông lai, hơn chục năm nay chị bị liệt cả 2 chân không đi lại được, nhưng từ khi tham gia vào HTX đã tạo cho chị có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống.

     Để tạo được chỗ đứng cho hàng hóa của HTX trên thị trường, chị Phương đã cùng các chị em phụ nữ khác trong HTX tự mày mò, học hỏi, sáng tạo nên những mẫu hoa văn mới, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Nhờ vậy, các sản phẩm của HTX làm ra như khăn quàng cổ, túi xách đến, khăn trải bàn, gối tựa lưng…đều có những mẫu hoa văn mới lạ, hấp dẫn nên đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng và du khách thập phương. Không những thế, chị còn trực tiếp đưa sản phẩm của HTX tới tham gia tại các hội chợ, các cuộc triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu sản phẩm, qua đó đã mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

     Không chỉ duy trì tốt hoạt động của HTX, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều chị em, hiện nay chị Bùi Thị Lan Phương còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Tân Lạc tổ chức 2 lớp dạy nghề dệt miễn phí ở 2 xã Mãn Đức và Đông Lai cho 60 lao động là các chị em trong huyện có nhu cầu theo học dệt. Tại nhà chị Phương lúc nào cũng có sẵn khung dệt cho chị em đến thực hành, những chỗ nào chị em còn thiếu sót thì chị sẽ hướng dẫn chỉ bảo ngay. Vì vậy, khi kết thúc khóa học, tất cả các chị em đều biết nghề và về nhà tự làm nghề hoặc tham gia vào HTX Vọng Ngàn của chị. Sản phẩm của chị em làm ra HTX dệt may Vọng Ngàn đều đứng ra tiêu thụ giúp. Sắp tới, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và du lịch Thắng Lợi thuộc Liên minh HTX Việt Nam sẽ đồng hành cùng HTX Vọng Ngàn phát triển thêm sản phẩm mới, mở rộng thị trường.

     Quả thực, để duy trì được một nghề truyền thống không hề dễ. Thổ cẩm Mường cần những con người như chị Phương với tình yêu và lòng đam mê,nhiệt huyết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tin rằng trong tương lai, mô hình phát triển làng nghề của HTX Vọng Ngàn sẽ có những bước phát triển bền vững hơn, sản phẩm thổ cẩm Vọng Ngàn ngày càng được biết đến không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam trước bạn bè quốc tế.