DetailController

Văn hóa

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch không gian văn hóa Mường trên địa bàn huyện Tân Lạc

06/03/2024 16:44
Ngày 06/3, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch không gian văn hóa Mường trên địa bàn huyện Tân Lạc. Cùng tham gia đoàn có đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng; Huyện ủy, UBND huyện Tân Lạc.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra phương án Quy hoạch không gian văn hóa Mường

Đoàn đã tới thăm và kiểm tra khu vực quy hoạch Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường tại Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, Huyện Tân Lạc. Làng cổ dân tộc Mường thuộc xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc có tổng diện tích mặt bằng kiến trúc cảnh quan khoảng 4,95ha, 34 hộ dân và 165 nhân khẩu, 100% hộ dân là người dân tộc Mường. Năm 2008, xóm Ải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư bảo tồn và công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường. Hiện là làng Mường cổ nhất của tỉnh Hòa Bình là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mường.

Năm 2017, thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”, theo đó, xóm Ải sáp nhập với xóm Luỹ đổi tên thành xóm Luỹ Ải; đến nay, xóm Luỹ Ải có 207 hộ dân và 936 nhân khẩu; 97% hộ dân là người dân tộc Mường; Riêng xóm Ải (cũ) còn lưu giữ được 19/34 ngôi nhà sàn truyền thống, còn lại là nhà sàn bê tông và nhà xây cấp 4; Xóm Luỹ Ải hiện là điểm du lịch cộng đồng OCOP 3 sao, có 02 hộ kinh doanh dich vụ du lịch Homestay thu hút khách du lịch về thăm quan, lưu trú, trải nghiệm các hoạt động văn hoá văn nghệ, di sản sản văn hoá của dân tộc.

Địa điểm làng cổ dân tộc Mường xóm Luỹ Ải có hệ thống đường giao thông đã được quy hoạch đồng bộ, với hướng tiếp cận của Đường Quốc lộ 6 từ phía Đông Bắc với khoảng cách hơn 1km; giao thông rất thuận tiện cho cả giai đoạn thực hiện dự án cũng như việc đi lại của người dân, du khách trong quá trình hoạt động khi dự án đưa vào vận hành. Có quỹ đất được quy hoạch sử dụng đất là đất du lịch và công cộng dịch vụ; do vậy quy mô dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 đô thị Phong Phú, huyện Tân Lạc, tầm nhìn đến năm 2035 và quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 huyện Tân Lạc.

Nhằm quy hoạch xây dựng khu bảo tồn không gian Văn hóa dân tộc Mường gắn với du lịch, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Lạc đã chỉ đạo UBND huyện phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát hiện trạng; xác định ranh giới, quy mô diện tích quy hoạch, lựa chọn phương án lập quy hoạch, dự kiến nguồn vốn thực hiện. Dự kiến khu bảo tồn không gian văn hóa Mường có diện tích nghiên cứu khoảng 125ha, với ranh giới như sau: Phía Đông Bắc giáp Quốc lộ 6, phía Đông Nam giáp khu dân cư và cánh đồng lúa 02 vụ; phía Tây Nam giáp khu dân cư và rừng phòng hộ; phía Tây Bắc giáp rừng sản xuất; gồm các khu như sau: Khu trung tâm bảo tồn 5,9ha; Khu dịch vụ trung tâm 8,1ha; khu khách sạn cao cấp 3,4ha; khu trang trại 3,5ha; khu tổ chức lễ hội 4,6ha; khu lưu trú, homestay, resort 4,2ha, còn lại là các khu dân cư hiện trạng, cảnh quan, khu khám phá thiên nhiên, khu dự trữ phát triển. Trong khu vực nghiên cứu có 207 hộ dân với tổng số 936 người.

Phát biểu tại buổi kiểm tra phương án lập quy hoạch xây dựng Không gian văn hóa Mường thuộc xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, huyện Tân Lạc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan cùng đơn vị tư vấn tập trung làm tốt công tác quy hoạch Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú theo đúng quy định, đảm bảo tính phù hợp, chất lượng; bảo vệ kiến trúc, giữ gìn cảnh quan thiên thiên; đầu tư xây dựng, kết nối hạ tầng giao thông. Đặc biệt, quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Mường thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đào tạo nghề; tạo điều kiện cho người dân tại Khu bảo tồn lưu giữ sản bắc dân tộc gồm: ngôn ngữ, trang phục, nhà ở, nếp sinh hoạt, qua đó tạo không gian phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân…/.