DetailController

Nông dân LĐ giỏi

Chuyện ông Trưởng thôn tỷ phú

06/07/2010 00:00

Mùa này, đến xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn rừng lên xanh ngút ngàn, không còn quả đồi nào hoang hoá. Việc trồng rừng của người người dân Phúc Tiến bây giờ khá suôn sẻ, bởi có đường ô tô chạy quanh chân núi, thuận tiện cho việc chở cây giống, phân bón và chăm sóc rừng.

Hình minh họa

 

Để có phong trào nhà nhà trong thôn, trong xã trồng rừng như bây giờ, bà con người Mường trong xã vẫn nhắc tới ông Đinh Công Phượng, Trưởng thôn Quyết Tiến. Vào năm 2000, Lâm trường kỳ Sơn có chủ trương liên kết với hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu, lâm trường cung cấp cho dân giống cây, phân bón, tiền công chăm sóc; sau 6-7 năm đến kỳ thu hoạch sẽ  chia sản phẩm. Khi ấy, nhiều người đắn đo không dám ký hợp đồng bởi ngại khó và chưa rõ hiệu quả kinh tế. Thấy lợi ích của việc trồng rừng- ông Đinh Công Phượng đã bàn bạc với gia đình nhận với lâm trường trồng keo lai hết diện tích 38 ha đất được giao. Đường vận chuyển chưa có, ông Phượng cùng vợ con phải trèo đèo, lội suối gùi cây giống, vác từng bao phân lên đồi. Bỏ nhiều công sức trồng và chăm sóc rừng, thậm chí ngủ tại lều lán để canh trâu bò phá, cuối cùng thì đất cũng không phụ công người lao động. Cuối năm 2007, vào kỳ thu hoạch, ông Phượng  bán rừng gỗ keo được 800 triệu đồng, sau khi trả nợ lâm trường và trừ mọi chi phí ông thu lãi 400 triệu đồng.  Thấy ông Trưởng thôn trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con trong vùng đã học tập và làm theo. Thôn Quyết Tiến hiện có 112 hộ, 501 nhân khẩu thìcó tới 92% số hộ đã liên kết với lâm trường hoặc tự bỏ vốn trồng rừng, bình quân mỗi hộ trong thôn có 5 ha rừng kinh tế. Nhờ thu nhập từ rừng, thôn Quyết Tiến không còn hộ đói nghèo, đường xá đi lại cũng thuận lợi.
 
Trưởng thôn Đinh Công Phượng dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng trồng lại của gia đình, ai cũng trầm trồ ngạc nhiên bởi rừng keo mới trồng một, hai năm, giờ đã xanh tốt, cao hơn đầu người. Tuổi đã ngoài năm mươi, gia đình làm không xuể, ông thuê 10 lao động ở Lạc Sơn về làm, cơm nuôi ngày ba bữa và trả tiền công 40 nghìn đồng. Ông Phượng cho biết: Có người vừa muốn ông nhượng lại 8 ha rừng với giá 250 triệu một ha, nếu bán ông đã có bạc tỷ trong tay. Nhưng vì duyên nợ với rừng, vì môi trường sinh thái nên ông không bán. Ông Phượng tung vài nắm thóc ra bãi trống, lập tức đàn gà vài trăm con từ trên đồi nháo nhào xuống ăn, loại gà "leo dốc" này thịt chắc, ngon, cung không đủ cầu cho thị trường. Ông bảo: Riêng thu nhập từ đàn gà một năm cũng vaì chục triệu các anh à. Có đất, có rừng dân mình không thể nghèo mãi.