DetailController

Các dự án kêu gọi đầu tư

Tình hình triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh đến 15/01/2024

24/01/2024 16:00
Tỉnh Hòa Bình đang triển khai 14 dự án đầu tư trọng điểm. Trong đó có 6 dự án giao thông, thủy lợi và ngoài ngân sách. Hiện các dự án đang được chủ đầu tư đẩy nhanh triển khai các hạng mục, đảm bảo tiến độ thi công.

Cụ thể, Dự án mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án thiết kế, phương án tài chính Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức PPP, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất,... để khởi công dự án trong quý I năm 2024.

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) có quy mô xây dựng tuyến đường dài 34km với tổng mức đầu tư  9.777 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Quản lý đang triển khai một số nội dung công việc theo quy định (lập, trình phê duyệt nhiệm vụ và dự toán; lập, trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu,...). Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Hiện, Ban Quản lý tiếp tục cập nhật, bổ sung hồ sơ để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các bước tiếp theo theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa. Các tổ công tác đã tiến hành cắm cọc GPMB trên địa bàn huyện Đà Bắc đoạn từ Km30-Km42, huyện Mai Châu. Đối với đoạn từ Km50+900 - Km53 (thuộc địa phận huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Kế hoạch vốn được giao là 4.518 tỷ đồng, đã giải ngân được 0,092 tỷ đồng.

Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Nhà thầu công trình đang tổ chức thi công trên tuyến tổng giá trị thi công đạt 188/1.666 tỷ đồng, đạt khoảng 11,3% giá trị hợp đồng. Tổ chức thi công tại 12 vị trí cầu và 2 vị trí hầm chui trên toàn tuyến (giá trị khối lượng thi công đạt 188/305,12 tỷ đồng, đạt khoảng 61,7%.  Đối với đoạn 02 của dự án, đã hoàn thiện Hồ sơ theo ý kiến góp ý của các sở, ngành. Ban Quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn các huyện Kim Bôi, thành phố Hòa Bình, Lương Sơn.

Dự án Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Dự án đang thi công các hạng mục phụ trợ tại Cầu số 2 và số 4; thi công đắp đất nền đường Km6+850Km6+900; Km7+300-Km7+400. Công tác GPMB đang gặp vướng mắc, vì còn 1 hộ dân chưa  bàn giao mặt bằng và chưa tiến hành tháo dỡ và di dời nhà cửa trên đất nông nghiệp.

Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6 do Sở Giao thông vận tải là chủ đầu tư. Đến nay, công trình đã giải ngân 240,285/266,377 tỷ đồng, trong đó giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 là 73,908/100 tỷ đồng.

Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, UBND huyện Lạc Sơn được giao là chủ đầu tư Hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hiện đã xây dựng 08 điểm tái định cư, san nền 616 lô, mỗi lô rộng 400m2 để cấp cho 08 xóm của các xã Văn Nghĩa, Bình Hẻm và xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn. Xây dựng 02 tuyến đường tránh ngập, với tổng chiều dài là 16,967Km, có Bnền = 6,0 – 6,5m, chiều rộng Bmặt = 3,5m, kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng mác 300 dày 22cm. Công tác GPMB để xây dựng hệ thống đường ống cấp nước dài khoảng 36km Công trình dự kiến hoàn thành chậm nhất trong năm 2026. Hiện nay, các hộ dân đã nhận tiền đền bù. Tuy nhiên có 7 hộ dân chưa chuyển điểm tái định do hiện nay đang xây dựng nhà cửa, sau khi chặn dòng các hộ dân sẽ lên các điểm tái định cư.

Đối với các dự án ngoài ngân sách Nhà nước, gồm có: Quần thể Khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung tại xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả; Tuyến cáp treo Hương Bình tại Xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội; Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy tại Xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nhuận Trạch, huyện Lương; Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình tại huyện Lạc Thủy; Nhà máy xi măng Xuân Thiện Hòa Bình tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy. Các chủ đầu tư đây hoàn thiện hồ sơ để khởi công các dự án và đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án đang thi công.

Tuy nhiên, hiện nay, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn trong công tác GPMB, thiếu mỏ nguyên liệu, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Để hỗ trợ các dự án, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần xác định việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn là nhiệm vụ thường trực, hàng đầu và kịp thời tham mưu cho tỉnh chỉ đạo, giải quyết, không để ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cùng đồng hành, hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư triển khai xây dựng công trình, dự án nhanh nhất. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức chung, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân giúp cho việc triển khai các dự án trọng điểm thuận lợi, sớm hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân./.