DetailController

Chăn nuôi

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

12/05/2023 17:00
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 118 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó có 41 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 77 trang trại quy mô vừa. Hầu hết các trang trại chăn nuôi đều áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động.

Đối với trang trại chăn nuôi lợn thịt ứng dụng công nghệ cao đều chăn nuôi chuồng kín (chuồng lạnh), cơ bản các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều ứng dụng công nghệ cao, tự động và có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.  Một số trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, chăn nuôi tuần hoàn. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát phụ phẩm trong sản xuất và giảm tối đa lượng chất thải thải ra môi trường.

Trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch được các vùng chăn nuôi tập trung như vùng chăn nuôi lợn, vùng chăn nuôi gia cầm, vùng chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao, vùng chăn nuôi dê. Phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, quy mô vừa và quy mô lớn. Thường xuyên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, sản xuất con giống...các quy trình và công nghệ chăn nuôi được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Hệ thống sản xuất và cung ứng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và không ngừng được mở rộng, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu cho ngành chăn nuôi.

Trong chăn nuôi công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa đã và đang được ứng dụng trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu mới tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và một số kỹ thuật khác. Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, quy trình chăn nuôi tiên tiến mới chỉ dừng lại ở một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn chưa được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi. Việc ứng dụng các công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình chăn nuôi tiên tiến (VietGAP)... trong sản xuất chăn nuôi để sản xuất ra các sản phẩm chăn nuôi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thương lái nên giá cả bấp bênh ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Sản xuất chăn nuôi theo hướng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nên hạn chế hộ, DN đầu tư.

Thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ hoạt động xây dựng nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm, thực hiện liên kết đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nhằm nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm công nghệ cao (như các loại giống vật nuôi mới; quy trình sản xuất,...) ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và làm nòng cốt trong việc tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo, tập huấn, phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho người chăn nuôi, nhằm phát triển, nhân ra diện rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả bền vững. Tiếp tục rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Tham mưu chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi./.