DetailController

Chăn nuôi

Lạc Sơn: Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

02/08/2024 15:02
Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều các tỉnh thành trên cả nước, diễn biến dịch bệnh khó kiểm soát, thông qua giết mổ, tiêu thụ, buôn bán lưu thông vận chuyển. Dịch đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cầu thực phẩm cho người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay (31/7/2024) trên địa bàn huyện Lạc Sơn đã xảy ra 02 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại xã Văn Sơn và xã Văn Nghĩa, đã có tổng số 63 con lợn mắc bệnh, tổng trọng lượng tiêu hủy là 3.004 kg, ước thiệt hại khoảng gần 200 triệu đồng.

Để công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm hạn chế được sự lây lan dịch bệnh ra diện rộng, UBND huyện Lạc Sơn đã ban hành công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện.

UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm mua bán trôi nổi trên địa bàn; lợn đưa vào giết mổ và các sản phẩm của lợn tiêu thụ trên thị trường, nhằm ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch tái phát, lây lan. Nếu dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra và có chiều hướng lây lan ra diện rộng thì chủ động phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét kinh phí phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện của huyện và đúng quy định của pháp luật. Giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi, ve, mòng... tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Đội Quản lý thị trường số 5, phối hợp với Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn bất hợp pháp và sử dụng sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh để chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng bệnh để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Giao Công an huyện chỉ đạo đơn vị thực hiện chức năng điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn trái phép; có biện pháp giáo dục, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, tiếp tục tuyên truyền người chăn nuôi khi vật nuôi bị bệnh cần thông báo về Ủy ban nhân dân xã, thị trấn hoặc báo về cơ quan chuyên môn của huyện. Tuyệt đối không dấu dịch, hay bán chạy, tiêu hủy lợn dịch không theo quy định. Tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo các nội dung chỉ đạo của huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực không để phát sinh ổ dịch mới; khi có ổ dịch mới thực hiện quyết liệt việc tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc. Chỉ đạo thú y viên cơ sở thường xuyên xuống các xóm, phố hướng dẫn người chăn nuôi và theo dõi đàn lợn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất./.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)