DetailController

Chăn nuôi

Quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

25/10/2024 16:55
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các sở, ngành đã tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, gắn với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các đơn vị trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân được nâng cao. Từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và huy động sự tham gia đông đảo của các cở sở chăn nuôi và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu xác định việc quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của chủ trương, quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên tiêu chí về môi trường; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi. Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, phát huy được sức mạnh của toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, các địa phương đối với nhiệm vụ phát triển chăn nuôi bền vững của từng vùng.

Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành vănbản hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi nói riêng đến các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động về công tác bảo vệ môi trường đến từng hộ dân bằng nhiều hình thức khác nhau, triển khai thực hiện công tác thông tin - tuyên truyền thông qua các cuộc hội nghị, đợt tập huấn truyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Giờ Trái đất, Ngày nước thế giới, Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Ngày môi trường thế giới 05/6...., công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện, thu hút được sự tham gia của các cấp, các ngành và đặc biệt là cộng đồng người dân nông thôn. Phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường nông thôn được duy trì và ngày càng có sức lan toả sâu rộng, góp phần quan trọng trong thu hút nguồn lực thực hiện chương trình.

Trong công tác quy hoạch, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung công nghiệp phù hợp với các vùng, khu quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh và chương trình phát triển nông thôn mới. Hình thành khu, vùng chăn nuôi tập trung, khép kín, xa khu dân cư; đồng thời tiếp tục phát triển chăn nuôi trang trại quy mô vừa và quy mô nhỏ; Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; Duy trì tốc độ phát triển đàn: trâu 0,5%/năm, bò 2,3%/năm, lợn 3%/năm, gia cầm 3,5%/năm, dê 3,5%/năm, ong 7%/năm; tăng số trang trại, gia trại 6%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi trang trại, gia trại đạt 70%; phát triển vật nuôi bản địa (gà Lạc Thủy, Lạc Sơn; lợn bản địa; vịt Bầu Bến...) theo hướng sản xuất hàng hóa; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về Chăn nuôi và Thú y; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; khuyến khích xây dựng cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. 

Ngày 09/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND về việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết đến các hộ, cơ sở chăn nuôi nằm trongkhu vực không được phép chăn nuôi về quy định, chính sách hỗ trợ. Vận động các hộ, cơ sở ký cam kết di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi theo đúng thời gian quy định, không cơi nới chuồng trại, tăng đàn, tái đàn. Kết quả: 191 khu, tiểu khu, tổ dân phố không được phép chăn nuôi. Số cơ sở có diện tích trên 50m2 là 1.052 cơ sở. Tổng diện tích các cơ sở chăn nuôi trên 50m2 là 99.282 m2 (chuồng kiên cố: 93.459m2, chuồng tạm: 5.823m2). Dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng: 8.913.003.333 đồng.

Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh tại các huyện, thành phố, trên cơ sở kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết. Tại các địa phương đã gặp những khó khăn, bất cập cần được cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hiện nay đã có 03 huyện Kim Bôi, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình đã hỗ trợ di dời cho cơ sở chăn nuôi với tổng kinh phí là: 794.216.409 đồng. (Số cơ sở chăn nuôi: 90; Diện tích chuồng kiên cố: 17.758 m2, chuồng tạm: 422m2)

Theo số liệu báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 năm 2024, tổng đàn
trâu hiện có 113.312 con bằng 99,08% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò hiện có 91.536 con bằng 102,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn lợn hiện có 535.456 con so với cùng kỳ năm trước bằng 104,23%; tổng đàn gia cầm 8.896
nghìn con so với cùng kỳ năm trước bằng 104,69%, trong đó: đàn gà 7.921 nghìn con so với cùng kỳ năm trước bằng 102,6%. Tổng lượng phân gia súc gia cầm thải ra khoảng 5.162 tấn/ngày đêm, lượng nước thải phát sinh khoảng 12.574 m3/ngày đêm. Đối với nước thải phát sinh từ các cơ sở chăn nuôi, đã được chủ cơ sở quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ sinh học. Đây là mô hình xử lý phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay để xử lý nước thải chăn nuôi. Với mô hình này, nước thải từ các dãy chuồng được thu gom chảy qua hệ thống các bể biogas để xử lý yếm khí, rồi chảy qua hệ thống các ao sinh học, nước thải sau xử lý được tận dụng để tưới cây. 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, quy mô vừa và khoảng 30% hộ chăn nuôi trên địa bàn đều có xây dựng bể Biogas, ủ Compart kết hợp với phương pháp ủ sinh học và chăn nuôi bằng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, tận dụng làm chất đốt giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, hàng năm, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, doanh nghiệp, trong đó có các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhằm đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định pháp luật về môi trường.

Thời gian tới, các cáp ủy, chính quyền cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 55-CT/TU ngày 15/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 09/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Xem xét, thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư mới, chỉ xem xét cấp phép đầu tư mới các dự án chăn nuôi ở địa điểm phù hợp với quy hoạch, đáp ứng được các tiêu chí về môi trường. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành. Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, cập nhập các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để đảm bảo hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh. Tăng mức hỗ trợ kinh phí đầu tư cho doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp KH&CN; bố trí kinh phí đầu tư vào xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN; khu công nghệ cao; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung. Tăng cường áp dụng công nghệ - khoa học trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tăng cường công tác đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Tổ chức đánh giá và phổ biến, nhân rộng các mô hình điểm về thực hiện tốt công tác xử lý chất thải trong chăn nuôi. Có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất chăn nuôi nhằm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

 Nâng cao nhận thức của các cơ sở hoạt động chăn nuôi về công tác quản lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động; kịp thời có các biện pháp ứng phó do sự cố môi trường, báo cáo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có phương án phòng ngừa, xử lý đạt hiệu quả cao, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại về kinh tế và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc xả chất thải trực tiếp ra môi trường hoặc xả chất thải không đạt quy chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường. Kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội phát sinh từ các hoạt động chăn nuôi trên địa bàn, không để phát sinh thành điểm nóng.

Kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ, thu hồi đối với dự án của các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, tái phạm nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh để từ đó góp phần giải quyết các vấn đề từ thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của người dân./.