DetailController

Chăn nuôi

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

02/10/2024 16:30
Ngày 02/10/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 3125/SNN-CNTY về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 672 hộ, 93 thôn, 37 xã, phường, thị trấn của 08 huyện, thành phố, với tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là 3.502 con, với trọng lượng 132.963 kg, hiện nay còn 11 ổ đang còn dịch chưa qua 21 ngày. Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua tại một số địa phương vẫn xẩy ra tình trạng dịch bệnh dây dưa, kéo dài và tái phát chủ yếu do: chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; chưa kiểm soát tốt việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn; còn tình trạng bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh; người dân mua phải lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc về nuôi (người mua và người bán không biết nhau; liên hệ qua Zalo, Facebook hoặc sim rác, con giống không có nguồn gốc rõ ràng, hình thức thanh toán tiền qua trung gian thuê vận chuyển,…), một số cơ sở đã tái phát bệnh Dịch tả lợn Châu Phi do mua phải lợn giống bị bệnh về nuôi, dẫn đến nguy cơ làm gia tăng lây lan dịch bệnh trên địa bàn.

Để tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, kiểm soát bệnh DTLCP.  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung của Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 25/6/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1181/UBND-KTN ngày 22/7/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; đồng thời chú trọng một số nội dung sau:

Đối với các địa phương đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của cơ quan chuyên môn; gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra dịch hoặc để dịch lây lan do lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch tại địa bàn. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở huy động nguồn lực, nhân lực tại chỗ để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch. Lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời hoặc thành lập đội cơ động phòng, chống dịch theo thẩm quyền để kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong ổ dịch, vùng dịch. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh động vật như: tiêu thụ, mua bán, giết mổ động vật bệnh làm thực phẩm; vứt xác động vật chết ra môi trường, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn để kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn trong ổ dịch; đặc biệt thực hiện công khai, minh bạch việc chôn hủy lợn bệnh, chết tại ổ dịch; báo cáo cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên hệ thống báo cáo trực tuyến (VAHIS) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; không để xảy ra hiện tượng lợi dụng, trục lợi chính sách (nếu có). Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để người dân nhận biết chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; nêu rõ các biện pháp xử lý lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch lây lan diện rộng. Thành lập đoàn công tác do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; đồng thời cử cán bộ của cơ quan chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch dây dưa, tái phát.

Đối với địa phương chưa có dịch: Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh, xử lý triệt để ổ dịch khi còn ở diện hẹp; tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; bố trí kịp thời kinh phí để triển khai ngay các biện pháp bao vây, khoanh vùng, dập dịch theo quy định. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, về tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất sát trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn theo quy định; lợn giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng được kiểm dịch theo quy định hoặc xuất phát từ địa phương không có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phù hợp với lứa tuổi lợn theo quy định.

Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Chủ động phối hợp với các địa phương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; cập nhật số liệu trong phòng, chống dịch bệnh động vật, tổng hợp báo cáo theo quy định. Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định hiện hành. Hướng dẫn người chăn nuôi, cơ quan chuyên môn địa phương thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, góp phần bảo đảm ổn định sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh./.