Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu kỹ nội dung Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sảnđể tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lồng ghép trong các hoạt động công tác để kịp thời tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể:
Tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình của tỉnh có liên quan; tích cực, chủ động phối hợp hỗ trợ cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, về giao đất, giao rừng, giao mặt nước, định giá…; làm tốt công tác quản lý nhà nước, đề xuất các chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nói chung và cho ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản nói riêng.Lồng ghép trong các hoạt động của các cơ quan để tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật và chuyển đổi ngành nghề hợp lý hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương.
Triển khai thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia. Đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp; các chương trình, đề án về giống cây trồng lâm nghiệp. Từng bước đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ có chất lượng, có chứng chỉ cho chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu và cấp chứng chỉ các-bon.
Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ trồng rừng, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của nước nhập khẩu.
Tuyên truyền và phối hợp tốt với cơ quan chuyên môn trong công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; đặc biệt tại các thủy vực lớn và vùng hồ thủy điện Hòa Bình; quản lý tốt nguyên liệu vật tư đầu vào theo các quy định hiện hành.
Tiếp tục rà soát, đề xuất tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, cắt giảm thủ tục hành chính không thật cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp/hợp tác xã nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, chú trọng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu.
Chủ động, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện thúc đẩy, hỗ trợ tổ chức sản xuất nông nghiệp của địa phương theo hướng đa giá trị, quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình GAP, xây dựng hạ tầng kỹ thuật... để tăng sức cạnh tranh cho nông sản của tỉnh nói chung, lâm sản và thủy sản nói riêng.
Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và các mô hình hợp tác trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với cây gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ và cá nuôi lồng.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm... thông qua việc thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan; đặc biệt là Kế hoạch hành động số 54/KH-UBND ngày 17/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố tích cực, chủ động trong triển khai các nội dung liên quan, đánh giá, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kết quả thực hiện các nội dung trên; kịp thờibáo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các khó khăn, vướng mắc để xem xét, tháo gỡ./.