DetailController

Tuyên truyền hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ

14/12/2023 16:30
Từ khi Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt đến nay, số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp của tỉnh cho các loại hình tài sản trí tuệ tăng lên rất nhiều so với những năm trước đây. Kết quả đó thể hiện nhận thức của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của tỉnh Hòa Bình đối với vai trò cũng như tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước đã được nâng cao.
Cơm lam Mường Động, nhãn hiệu chứng nhận đã được công bố cấp cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Hòa Bình

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ đến hết Quý II năm 2023, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 48 đơn  đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nộp về Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời có tổng số 16 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu  được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ và công bố chính thức trên thư viện số về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Trong năm 2023, có 05 nhãn hiệu chứng nhận  đã được công bố cấp cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Hòa Bình, nâng tổng số nhãn hiệu chứng nhận gắn với tên địa danh thuộc tỉnh Hòa Bình lên 28 Nhãn hiệu; tổng số nhãn hiệu tập thể của tỉnh được bảo hộ đến nay là 19 Nhãn hiệu. Thực hiện quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt kinh phí: 115.000.000đ hỗ trợ nội dung đăng ký xác lập quyền Sở hữu công nghiệp cho 19 doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh với 23 văn bằng bảo hộ đã được cấp; hỗ trợ 345.000.000đ cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động về Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng .

Tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình; đã hỗ trợ nâng cao quy trình canh tác, quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường EU tạo tiền đề, cơ sở thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh ra nước ngoài trong tương lai. Đã hỗ trợ xuất khẩu chính ngạch thành công 48 tấn Bưởi Diễn của huyện Lương Sơn và huyện Yên Thủy sang thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm tiềm năng thế mạnh của địa phương được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh, cụ thể như: Quảng bá các sản phẩm như chè, các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế tác từ đá, các sản phẩm mật ong... trên các trang thông tin điện tử. Tham gia các hội chợ Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền tại tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội trái cây Thành phố Hà Nội; Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt -Trung (Lào Cai)...

Trong lĩnh vực giống cây trồng, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay có 05 đơn vị sản xuất giống cây trồng gồm: Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và Thủy sản: thực hiện khảo nghiệm giống cây trồng mới; gia công giống lúa cho các Công ty giống cây trồng; sản xuất giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu... Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh GCT Phương Huyền sản xuất giống cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây dược liệu, cây lâm nghiệp... Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình sản xuất giống cây ăn quả có múi. Trung tâm nghiên cứu và SX ngô Sông Bôi nghiên cứu, sản xuất giống ngô và Công ty TNNH MTV 2 – 9 Hòa Bình sản xuất giống cây ăn quả. Trong năm 2023, các cá nhân, tổ chức sản sản xuất, chọn tạo giống cây trồng trên địa bàn tỉnh không có đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

Nhìn chung, được sự quan tâm của tỉnh, số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày càng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, đồng thời hướng đến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài trong tương lai khi mục tiêu xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ra nước ngoài được triển khai trong những năm tới đây. Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thông qua các đề tài, dự án hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho các đặc sản của địa phương được thực hiện hiệu quả và thành công, bám sát Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn tập trung chủ yếu cho đối tương quyền sở hữu công nghiệp là Nhãn hiệu. Các đối tượng khác như Sáng chế và kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm, giống cây trồng, quyền tác giả, quyền liên quan còn rất hạn chế. Do đó, việc thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ vẫn cần có sự chú trọng quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ mãnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan đối với việc hình thành và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các loại hình tài tài sản trí tuệ./.