DetailController

Tuyên truyền hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Tăng cường công tác kiểm tra, cấp và quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu năm 2024

16/10/2024 16:51
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp kinh phí thực hiện công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Phối hợp thường xuyên với các huyện, thành phố trong việc kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, công tác an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Đến tháng 10 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 43 mã số vùng trồng (MSVT) xuất khẩu với tổng diện tích là 375,84 ha và 01 mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG) xuất khẩu đạt yêu cầu duy trì. Hỗ trợ các địa phương kết nối với các doanh nghiệp, Hợp tác xã liên kết với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, đảm bảo sản phẩm đáp ứng đủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu.

Công tác cấp và quản lý MSVT, CSĐG trên địa bàn tỉnh đã dần được các Hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân tham gia sản xuất, sơ chế đóng gói nhận thức được mặt tích cực của việc cấp và quản lý MSVT, CSĐG; vùng trồng và cơ sở đóng gói thường xuyên được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Từ đó nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân trong canh tác, thu hái, sơ chế, đóng gói nông sản, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản, tăng số lượng sản phẩm mẫu mã đẹp và đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của thị trường khắt khe như Hoa Kỳ, EU, Vương quốc Anh. Thường xuyên phối hợp, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong công tác chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, liên kết xuất khẩu nông sản. Kết quả đã có vùng trồng bưởi tại huyện Yên Thủy và Lương Sơn xuất khẩu 15 tấn bưởi diễn sang thị trường Hoa Kỳ; Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân xuất khẩu 12 tấn ớt muối chua và 24 tấn mía cấp đông sang thị trường Hàn Quốc, 17 tấn mía cấp đông sang Hoa Kỳ, 1,8 tấn mía sang Nhật Bản; HTX sản xuất chế biến NLTS Phú Cường Sông Đà xuất khẩu chuối qua thương lái thu mua là 340 tấn sang thị trường Trung Quốc. Tập trung khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất trồng trọt sau bão số 3.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến các quy định về cấp và quản lý MSVT, MSCSĐG, kiểm dịch thực vật và quy định của nước nhập khẩu. Trong năm 2024 đã tổ chức 09 Hội nghị tập huấn, tuyên truyền với tổng số 250 người tham gia. Thực hiện 04 kỳ kiểm tra, cấp MSVT và 05 kỳ giám sát MSVT, CSĐG. Cấp được 12 MSVT; 100% MSVT và MSCSĐG được giám sát theo kế hoạch; thu hồi 10 MSVT và 01 MSCSĐG chưa đáp ứng đủ các yêu cầu duy trì, tạm dừng 02 MSCSĐG, đề nghị khắc phục 01 MSCSĐG. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 43 MSVT trên các loại cây trồng nhãn, thanh long, chuối, bưởi và 01 MSCSĐG (chuối) đạt yêu cầu duy trì mã số xuất khẩu. Trong đó có 35 MSVT bưởi với tổng diện tích 316,15 ha đáp ứng đủ các điều kiện duy trì xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU, New Zealand, Hàn Quốc.

Dự kiến trong niên vụ 2024 - 2025 sẽ có khoảng 500 tấn cam và 500 tấn bưởi đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước Hoa Kỳ, EU, Anh, Hàn Quốc, New Zealand và một số nước Châu Á. Tỉnh tập trung triển khai các giải pháp thực hiện công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu sản phẩm quả có múi (cam, bưởi) niên vụ 2024 – 2025. Trong đó tiếp tục được sự quan tâm của cơ quan chuyên môn các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, cấp và quản lý, giám sát MSVT, CSĐG trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cơ quan quản lý (Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) cung cấp thông tin kịp thời đến vùng trồng và cơ sở đóng gói về thị trường xuất khẩu, bao gồm các quy định, hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật cấm và được phép sử dụng của nước nhập khẩu, tiêu chuẩn và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường mục tiêu. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tham mưu, phối hợp hỗ trợ trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, phân tích mẫu cam, bưởi theo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật phục vụ xuất khẩu. Tăng cường công tác cấp, giám sát MSVT, CSĐG, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm soát sinh vật gây hại, đảm bảo các vùng trồng và cơ sở đóng gói luôn đáp ứng đủ các yêu cầu duy trì mã số xuất khẩu.

Các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng; tham mưu, đề xuất kinh phí và xây dựng kế hoạch hàng năm về hỗ trợ quản lý sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tại các vùng trồng được cấp mã số, tạo vùng chuyên canh hàng hóa trên các cây trồng chủ lực và lợi thế của địa phương theo Quyết định 2433/QĐ-UBND ngày 26/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao nhiệm vụ cấp, quản lý MSVT trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cơ sở sản xuất chủ động áp dụng biện pháp canh tác cây cam, bưởi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đặc biệt là áp dụng IPM trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; tăng độ Brix, tạo độ sáng đẹp mẫu mã cho quả; không sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng của Việt Nam và nước nhập khẩu; đảm bảo thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm; sắp xếp nguồn kinh phí cho các công việc cần thiết phục vụ xuất khẩu sản phẩm khi không có nguồn hỗ trợ kinh phí từ nhà nước. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phối hợp sớm cung cấp thông tin đến vùng trồng về các yêu cầu của nước nhập khẩu, kế hoạch xuất khẩu, tiêu chí lựa chọn mẫu mã, trọng lượng quả, giá và sản lượng, hợp đồng thu mua đối với sản phẩm cam, bưởi xuất khẩu. Thúc đẩy quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình tổ chức sự kiện xuất khẩu, đưa tin, bài, phòng sự thông tin, truyền thông về thương hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ các loại nông sản, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất bưởi, cam đạt an toàn thực phẩm là thế mạnh của địa phương cũng như sự cần thiết của việc sản xuất các sản phẩm cây có múi đáp ứng đủ các điều kiện xuất khẩu./.