DetailController

Tuyên truyền hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng hóa nông sản cung cấp cho thị trường

07/10/2024 16:30
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Kết quả các lĩnh vực cụ thể như sau:

Trồng trọt: Lúa gạo tổng diện tích bình quân đạt 38,37 nghìn ha; năng suất bình quân đạt 57,5 tạ/ha, sản lượng bình quân đạt 21,7 vạn tấn. Diện tích gieo trồng các giống lúa có chất lượng cao như giống Bắc Thơm, J02, ĐS1, nếp... chiếm khoảng 30%. Đã ứng dụng công nghệ cao trong phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe nông dân và giảm ô nhiễm môi trường sinh thái. Bước đầu hình thành các chuỗi kiên kết sản xuất lúa gạo: chuỗi sản xuất gạo J02 tại Đà Bắc; chuỗi sản xuất gạo BC15 tại huyện Mai Châu; chuỗi sản xuất gạo theo hướng hữu cơ tại huyện Lương Sơn; tăng cường chứng nhận sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lúa gạo, các vùng sản xuất lúa đặc trưng của mỗi địa phương (Đà Bắc, Mai Châu, thành phố Hòa Bình). Cây ngô tổng diện tích bình quân đạt 30,35 ngàn ha, sản lượng bình quân đạt 14,37 vạn tấn. Tập trung sử dụng nguồn giống có chất lượng, năng xuất cao đáp ứng yêu cầu sản xuất. Cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh duy trì diện tích trên 10 nghìn ha trong đó diện tích kinh doanh đạt trên 9 nghìn ha; sản lượng ước hàng năm đạt khoảng 20-22 vạn tấn; một số vùng trồng cam chủ lực tại huyện Cao Phong, Lạc Thủy người dân tích cực cải tạo đất, tái canh trồng chu kỳ mới. Diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ đến nay khoảng 1.700 ha chiếm khoảng 20% diện tích cây có múi toàn tỉnh. Hiện nay người dân tiếp tục đầu tư thâm canh, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm cải thiện mẫu mã, phẩm cấp và chất lượng sản phẩm phục vụ việc mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cây chè diện tích duy trì và trồng mới khoảng 893 ha, năng suất khoảng 85 -90 tạ/ha (búp tươi), sản lượng ước tính gần 7,5 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở Lương Sơn, Lạc Thủy, Đà Bắc, Mai Châu. Sản phẩm chè chủ yếu được sản xuất chè xanh phục vụ tiêu thụ trong nước và làm nguyên liệu sản xuất chè đen phục vụ xuất khẩu (vùng nguyên liệu chè tại Lạc Thủy, Mai Châu). Cây rau đậu các loại diện tích gieo trồng ổn định khoảng 14,5 ngàn ha/năm, năng suất 140-150 tạ/ha, sản lượng hảng năm trên 21 vạn tấn/năm; Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm như: vùng sản xuất Bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lặc lày tại các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ huyện Lương Sơn, vùng rau susu huyện Mai Châu, Tân Lạc; sản xuất tỏi tía huyện Mai Châu. Diện tích đã được chứng nhận  đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ với diện tích 320ha. Cây sắn diện tích bình quân đạt 7,749 ngàn ha, sản lượng bình quân đạt 120,84 vạn tấn. Một số vùng đã hình thành các cơ sở liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sắn như mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sắn của Công ty Tân Hiếu Hưng tại Lạc Sơn. Đưa các giống mới có năng xuất, chất lượng tinh bột cao vào sản xuất; áp dụng các giải pháp phòng sâu bệnh (bệnh khảm lá sắn), đẩy mạnh các hoạt động cơ giới hóa trong khâu làm đất, khâu thu hoạch sắn. Cây mía diện tích hàng năm khoảng 6,6 nghìn ha, trong đó diện tích mía ăn tươi khoảng 6,0 nghìn ha (mía tím, mía trắng, mía quay nước). Đưa giải pháp kỹ thuật sử dụng giống mía nuôi cấy mô vào sản xuất đại trà, đã khẳng định tính thích ứng và hiệu quả là cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng mía thương phẩm. Diện tích mía nguyên liệu khoảng 1.000 ha tập trung tại huyện Lạc Sơn, Yên Thủy; cung cấp nguyên liệu cho nhà máy mía đường Việt Đài, Lam Sơn - Thanh Hóa. Cây dược liệu diện tích hiện có khoảng 2.500 ha trồng chủ yếu  tại các huyện như Yên Thủy (cà gai leo); Kim Bôi (xạ đen); Đà Bắc (giảo cổ lam); Lạc Thủy, Cao Phong, Kim Bôi (Cây sả)... Sản phẩm chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu trong và ngoài tỉnh. Cây trồng lợi thế từng địa phương, vùng miền mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh của từng địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng, miền trong đó các loại cây ăn quả các loại như Nhãn, Vải, Na, Chuối, duy trì ổn định từ 4,5-5 nghìn ha; cây có củ các loại như Dong riềng, Khoai lang, Khoai môn, Khoai sọ..., diện tích 5-6 nghìn ha; cây công nghiệp hàng năm lạc trên 4,5- 5 nghìn ha.

Chăn nuôi: Tổng đàn lợn hiện có 479.522 con; có 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300-3.000 con với tổng số 20.700 con lợn nái cung cấp khoảng 207 nghìn con giống/lứa, 517,5 nghìn con giống/năm, 44.680 con lợn thịt và hậu bị, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.042 tấn/năm. Tổng đàn trâu hiện có là 109.863 con; đàn bò hiện nay là 91.655 con. Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159 quy mô 500-7000 con bò thịt và bò cái sinh sản, số con xuất chuồng là 12.750 con/năm, với sản lượng thịt hơi 7.018 tấn. Đã ứng dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, do đó chất lượng đàn trâu, bò được nâng lên. Một số mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa tiếp tục được hình thành và phát triển; phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đang được mở rộng. Tổng đàn gia cầm hiện nay là 8.886 nghìn con. Có 71 trang trại chăn nuôi gia cầm (59 trang trại chăn nuôi gia cầm thương phẩm quy mô lớn từ 3.000-50.000 con/chuồng/lứa sản xuất được 2.484.000 con/ năm, với sản lượng thịt hơi khoảng 27.500tấn/năm; 07 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô 5.000-70.000 con sản xuất được hơn 24 triệu quả trứng/năm; 05 cơ sở chăn nuôi gà giống quy mô từ 10.000-170.000 con, cung cấp khoảng 25 triệu con gà giống/năm và 16,8 triệu quả trứng giống/năm). Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện có 2.693 ha và 4,89 nghìn lồng cá nuôi. Sản lượng thủy sản đạt 12,17 nghìn tấn/năm với các loại cá phổ thông cũng như đặc sản (cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen...); đã có 09 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên.

Lâm nghiệp: Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh khai thác khoảng 22 nghìn ha rừng, được 1.805 nghìn m3 gỗ, năng suất rừng trồng bình quân trên địa bàn đạt khoảng 80m3/ha tăng đáng kể so với giai đoạn trước đây (khoảng 70 m3/ha); sản phẩm khai thác chủ yếu là gỗ nhỏ. Tổng số cơ sở chế biến lâm sản là 146 cơ sở ( gồm 39 doanh nghiệp  và 107 cơ sở hộ gia đình); cơ sở sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ quy mô vừa và nhỏ, trong đó có 01 nhà máy sản xuất ván MDF công suất thiết kế 54 nghìn m3 ván MDF và 2 nghìn m3 ván ghép thanh mỗi năm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu, gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với khai thác - chế biến. Giai đoạn từ năm 2021 - 2023, các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản đã sản xuất được 47.846,65 m3 đồ mộc, 499.259,4 tấn Dăm băm, 385.324,81m3 ván ép, 8.850 tấn bột giấy, 157.990,72 tấn ván bóc và 203.849 tấn sản phẩm khác (đũa, tăm, mành). Giá trị hàng hóa ước đạt 4.405,468 tỷ đồng, trong đó: xuất khẩu đạt 1.848,15 tỷ đồng. Việc bán nguyên liệu thô, sản phẩm sơ chế giảm dần; đã có hình thức chế biến tinh chế tại các cụm công nghiệp tập trung và khuyến khích nâng cấp đối với các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ hiện có. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 51,5%. Duy trì diện tích được cấp chứng chỉ rừng hiện có, tiếp tục thúc đẩy tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh, hiện nay có trên 16 nghìn ha được cấp chứng chỉ.

Nhìn chung, việc đẩy mạnh kỹ thuật thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng các nhóm sản phẩm của tỉnh. Từ đó tăng giá trị thu nhập và hiệu quả cho nông dân trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển thương mại hàng hóa nông sản./.