DetailController

Tuyên truyền hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Phát triển kinh tế trang trại gắn với xây dựng thương hiệu nông sản

10/08/2022 00:00
Kinh tế trang trại được xem là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân; đồng thời khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp, thời gian qua, UBND huyện Lạc Thủy đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản.
Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, thôn Chợ Đập, xã An Bình (Lạc Thuỷ) là một trong những mô hình trang trại hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên và nâng tầm thương hiệu Gà Lạc Thuỷ.

HTX Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng là một trong những mô hình trang trại hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, kinh nghiệm sản xuất mới và nhiều lợi ích cho các thành viên, nông hộ ở xã An Bình. Với sự hỗ trợ của chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II, HTX được thành lập năm 2019. Qua đó, giúp các thành viên giúp nhau về kỹ thuật sản xuất, tạo thành chuỗi liên kết từ khâu chọn giống đến tiêu thụ sản phẩm. Ông Vũ Tiến Sỹ, thành viên HTX chia sẻ: Sản phẩm chủ lực của HTX là gà bèo Lạc Thủy, toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện khép kín từ chăn nuôi, sơ chế đến bảo quản và phân phối. Nhờ không dùng thức ăn công nghiệp, không sử dụng các chất cấm cũng như kích thích tăng trưởng, sản phẩm gà do HTX sản xuất luôn nhận được phản hồi tích cực, được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Lượng gà tiêu thụ ngày càng tăng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên mà còn khẳng định chất lượng của sản phẩm trên thị trường. Từ quy mô chăn nuôi khiêm tốn, đến nay, HTX đã phát triển lên 87 hộ thành viên, quy mô chăn nuôi tăng lên 5.000 con.  

Đây là 1 trong tổng số 61 trang trại trên địa bàn huyện Lạc Thủy đang hoạt động hiệu quả. Để phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng bền vững, thời gian qua, UBND huyện Lạc Thủy xây dựng kế hoạch sản xuất bám sát mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp trung dài hạn phát triển nông nghiệp tại Kế hoạch số 12/KH-UBND, ngày 19/1/2022 của UBND huyện về thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025"; Quyết định số 2006/QĐ-UBND, ngày 9/11/2021 của UBND huyện phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Lạc Thủy giai đoạn 2021-2025... Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, có giá trị kinh tế cao; chuyển đổi đất trồng lúa, cây màu kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương và đáp ứng thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Việc điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương trên các sàn postmark.vn, voso.vn, duy trì hoạt động Website nông sản Lạc Thuỷ. Hoạt động liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu được triển khai hiệu quả, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt. Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực, các HTX nông nghiệp dần đủ mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện có 61 trang trại và 48 HTX, trong đó có 40 HTX nông nghiệp.

Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Có thể khẳng định, các mô hình kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng làm giàu cho nông dân. Đặc biệt, nông dân đã thay đổi được tư duy nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sáng tạo và áp dụng KHKT để nâng cao hiệu quả sản xuất. Sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các đơn vị, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã giúp huyện có 5 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ, 13 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh xếp hạng 3 và 4 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, dần khẳng định vị thế trên thị trường như gà Lạc Thủy, cam trứng, chè Sông Bôi, na Lạc Thủy, dưa lưới Inchiba, dê Lạc Thủy, nấm sò trắng... Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện phải phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp của cả tỉnh, huyện Lạc Thủy đã và đang tập trung phát triển các mô hình trang trại theo lợi thế tiểu vùng sinh thái, nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc hữu, lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, động lực then chốt để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó là phát triển công nghiệp chế biến quy mô phù hợp trên cơ sở tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 gắn với kinh tế số, chuyển đổi số để kết nối vùng sản xuất với chế biến và thị trường.