DetailController

Chăn nuôi

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn

09/09/2022 00:00
Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đang là một trong những xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi hiện nay. Với tiềm năng, lợi thế, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu chăn nuôi tập trung tại các địa phương. Từ đó, người chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, áp dụng khoa học - kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế rủi ro do dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Năm 2021, tỷ trọng chăn nuôi trong trang trại tăng lên 20% số đầu con và 25% về sản lượng.

Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tỉnh tập trung vào cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực. Công tác bảo tồn và phát triển giống vật nuôi bản địa được chú trọng, quan tâm. Giống gà Lạc Thủy đã được nghiên cứu nhân thuần, chọn lọc và bảo tổn tại Viện Chăn nuôi và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; giống lợn bản địa Đà Bắc đã tiến hành thực hiện chuẩn hóa, đánh giá kỹ lưỡng. Một số địa phương đã triển khai mô hình bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống vịt Bầu Bến. Ngoài các giống bản địa, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Nhiều đề tài nghiên cứu lai được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Bò lai F1 (cái BBBx đực Lại Sind), Trâu lai Murah.

Tỉnh quan tâm chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi quy mô lớn, vừa và nhỏ. Đến nay, nhiều cơ sở đã tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tỷ trọng chăn nuôi trong trang trại tăng dần qua các năm. Năm 2016 đạt khoảng 7,64% số đầu con và 11,17% sản lượng; thì đến năm 2021, tăng lên 20% số đầu con và 25% về sản lượng. Chăn nuôi nông hộ đã từng bước tổ chức lại sản xuất, người dân có ý thức phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, mang lại hiệu quả trong chăn nuôi.

Từ năm 2017 đến nay, đàn gia súc, gia cầm trong các trang trại tăng lên. Tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông nghiệp. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả. Đến tháng 4/2022, tỉnh đã thành lập được 60 hợp tác xã chăn nuôi, có 28 hợp tác xã liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi.

Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vật nuôi có lợi thế của địa phương được quan tâm triển khai thực hiện. Tỉnh đã cấp Giấy Chứng nhận các nhãn hiệu tập thể cho các sản phầm như: “Gà Lạc Sơn”, “Gà Lạc Thủy”, “Lợn bản địa Đà Bắc”, “Dê Lạc Thủy”, “Dê núi Lương Sơn” có truy xuất nguồn gốc. Toàn tỉnh hiện có 15 sản phẩm OCOP chăn nuôi. Tiêu biểu là sản phẩm Gà tươi nguyên con của Hợp tác xã Chăn nuôi gà Lạc Thủy được xếp hạng 4 sao; Gà Lạc Sơn của Hợp tác xã chăn nuôi gà Hương Nhượng được xếp hạng 3 sao; Thịt dê núi Lương Sơn; Vịt cổ xanh Mượng Hịch, Thịt lợn đen Mường Oa và 8 sản phẩm mật ong được xếp hàng 3 sao./.