Thông tin dịch tễ trường hợp tử vong cụ thể như sau: Cách đây khoảng 3 tháng bệnh nhân đi qua khu vực xích nhốt chó của gia đình và có dẫm vào đuôi con chó nên bị cắn vào cẳng chân phải, vết thương nhỏ, nông, có chảy ít máu. Chó cắn bệnh nhân là chó lạ, không rõ nguồn gốc, đi lạc đến gia đình và được nuôi xích tại nhà, chưa tiêm phòng vắc xin Dại. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không đi đến cơ sở Y tế để khám và điều trị dự phòng phơi nhiễm với bệnh Dại mà chỉ đắp thuốc. Ngày 09/6/2024 bệnh nhân có biểu hiện người mệt mỏi, chóng mặt, ăn uống kém, sợ lạnh, được gia đình đưa đến các cơ sở Y tế để khám và điều trị. Tại đây bệnh nhân được làm xét nghiệm vi rút Dại, kết luận bệnh nhân dương tính với vi rút Dại, đến 04 giờ ngày 15/6/2024 bệnh nhân diễn biến nặng nên người nhà xin về và tử vong tại nhà vào hồi 18h phút cùng ngày.
Từ đầu tháng 3/2024 cho đến nay (17/6), tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm nói chung trên địa bàn xã Đồng Lạc tương đối ổn định, không có hiện tượng chó, mèo nghi mắc bệnh Dại cắn người và gia súc khác. Tỷ lệ tiêm phòng Dại cho chó mèo đạt 262/662 con, đạt tỷ lệ 39,58%. Riêng xóm Đồng Lạc đã tiêm được 14/57 con, đạt tỷ lệ 24,56 %.
Trước nguy cơ lây nhiễm bệnh Dại từ động vật sang người dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại và giảm thiểu số người bị chó cắn; Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND huyện và chỉ đạo chính quyền cơ sở thực hiện tốt một số nội dung sau:
Triển khai thực hiện tốt các nội dung trong Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 25/02/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2030; tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo nội dung Công văn số 440/UBND-KTN, ngày 26/3/2024 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của cơ quan chuyên môn.
Tổ chức thực hiện rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng phòng (100% trong diện tiêm). Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó theo đúng quy định. Chủ động giám sát và báo cáo tình hình bệnh Dại để cảnh báo cộng đồng.
Phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện khẩn trương tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin Dại cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng vắc xin, nhằm đảm bảo hiệu giá bảo hộ đối với bệnh Dại cho đàn chó, mèo; xử lý theo quy định đối với tất cả chó mèo không thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Dại trên địa bàn xã.
Tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện các trường hợp chó, mèo ốm nghi mắc Dại để xử lý kịp thời. Tổ chức thực hiện vệ sinh và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh khu vực ổ dịch Dại bằng hóa chất sát trùng hoặc rắc vôi chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi.
Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân để nhận biết được các dấu hiệu động vật mắc bệnh Dại; biện pháp phòng, chống bệnh Dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại. Khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cào cắn phải đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị phơi nhiễm với bệnh Dại; tuyên truyền người dân không được sử dụng các bài thuốc cổ truyền, gia truyền, loại thuốc Đông y để kiểm tra phát hiện và điều trị bệnh Dại./.