Lấy nông nghiệp làm nền tảng
Cũng như xóm Thung Khe, không chỉ mở rộng diện tích trồng tỏi tía, các xóm Nà Phặt, Noong Luông đã thực hiện hiệu quả phương châm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa phù hợp thị trường, chú trọng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, theo đồng chí Ngần Văn Diễn, Bí thư Đảng ủy xã Thành Sơn, thời gian qua, xã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ về giống, vốn của huyện, đặc biệt từ sự mạnh dạn đi đầu của đội ngũ CBĐV, từ chỗ chưa có tư duy về sản xuất theo hướng hàng hóa, đến nay, Thành Sơn đã thành lập được HTX rau sạch với sự tham gia, quy tụ ruộng đất của nhiều hộ dân.
Tương tự như ở Thành Sơn, từ việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc trồng các loại rau màu trên diện tích đất ruộng một vụ, đã có nhiều hộ ở xóm Hải Sơn (Mai Hịch) vươn lên thoát nghèo bền vững... Trước đây chưa làm rau màu thu nhập bình quân của xóm chỉ đạt dưới 10 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Từ khi chuyển đổi sang làm rau màu, thu nhập bình quân đầu người của xóm tăng mạnh, đạt mức thu nhập bình quân chung của huyện, nhiều hộ thoát nghèo, cuộc sống ổn định. Như hộ bà Đoàn Thị Thơm và ông Trần Văn Triển sau khi thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo của xã.
Đồng chí Ngần Văn Toàn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU của Huyện ủy và Nghị quyết số 75-NQ/HĐND của HĐND huyện về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện tốt công tác chỉ đạo sản xuất. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi xác định lấy nông nghiệp làm nền tảng để phát triển. Nhờ đó, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Tạo sức bật cho ngành nông nghiệp
Đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Bên cạnh lĩnh vực du lịch, Mai Châu xác định lấy "kinh tế xanh” là "trụ đỡ” cho sự phát triển KT-XH của huyện. Để đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện tập trung tạo những bước đột phá, sức bật mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với quan điểm tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá có chất lượng, giá trị cao. Trong thời gian qua cũng như thời gian tới, huyện xác định tập trung cơ cấu lại quy mô, hình thức tổ chức sản xuất, nghiên cứu bổ sung, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển. Quyết tâm tạo bước đột phá trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã được Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện cụ thể hóa bằng việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai kế hoạch sản xuất theo khung thời vụ. Khuyến khích người dân áp dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi; đầu tư xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính với các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, như mô hình trồng rau an toàn tại xã Chiềng Châu, Bao La, Mai Hịch...; hỗ trợ nhân dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất... Đặc biệt, để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm có tính đặc trưng như "Ngô nếp Thung Khe”, "Khoai sọ Phúc Sạn”, "Tỏi tía Mai Châu”. Ngoài ra, năm 2022, huyện trích ngân sách địa phương hỗ trợ các địa phương xây dựng, chuẩn hóa sản phẩm OCOP; hỗ trợ tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu "Gà đen H’Mông Mai Châu”, giống trồng cây gỗ lớn, giống cây dược liệu; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Hang Kia, Pà Cò, Thành Sơn để thay thế các loại cây có giá trị kinh tế thấp; hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch bệnh...