DetailController

Tuyên truyền hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản hồ chứa: Bài 2 - Hướng tới phát triển bền vững ngành thủy sản

10/08/2022 00:00
Những năm qua, nuôi trồng thủy sản hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm phát triển, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Lồng nuôi và sản lượng nuôi tăng nhưng tỷ trọng giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản của tỉnh tăng không đáng kể. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua tư thương và bán lẻ. Mặc dù đã có nhiều cơ sở lớn có chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhưng chỉ tiêu thụ sản phẩm của cơ sở đó mà chưa bao tiêu được sản phẩm của các hộ nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thiếu tính liên kết giữa sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng đầu tư nuôi cá lồng quy mô lớn trên hồ Hòa Bình kết hợp với chế biến, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Trao đổi về khó khăn trong phát triển nuôi cá lồng hồ chứa, đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Việc đưa các giống cá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, cá đặc sản vào nuôi chưa nhiều do giá thành đầu vào con giống, giá thức ăn cao, trong khi người dân còn khó khăn về kinh tế để đầu tư sản xuất. Chuyển giao khoa học công nghệ gặp nhiều trở ngại; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào nuôi. Sự liên kết giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hình thức, quy mô, phạm vi liên kết trong nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và thiếu bền vững; doanh nghiệp tham gia đầu tư lớn vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều. Trong tỉnh, cơ sở hạ tầng sản xuất giống thủy sản chưa phát triển. Các cơ sở sản xuất, ương nuôi cá giống mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu về giống cung ứng cho Nhân dân nuôi thương phẩm. Hàng năm, vào mùa mưa lũ hay thời điểm nắng nóng thường có biến động về nguồn nước, mực nước và chất lượng nước trong khu vực lòng hồ đã gây thiệt hại cho người nuôi cá lồng. Đây cũng là thách thức lớn đối với nuôi cá hồ chứa.

Nhằm tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên hồ chứa với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất, đời sống của người dân vùng hồ, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nuôi cá lồng, bè trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và sản xuất theo hướng công nghiệp tập trung tạo hiệu quả kinh tế cao. Khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước, giảm khai thác tự nhiên, bảo vệ cảnh quan đa dạng hệ sinh thái thủy sinh vật vùng hồ. Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp giữa các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch nông nghiệp… góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và tăng trưởng bền vững ngành thủy sản. Tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, các HTX liên kết tham gia sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đặc thù, chất lượng như các loại cá: Chiên, lăng, bỗng, rô phi, trắm đen… Tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản đặc hữu, đặc sản của địa phương. Xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời thường xuyên tổ chức hội nghị xúc tiến, kết nối cung cầu; tăng cường kết nối với các kênh phân phối để đầu tư xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh, TP Hà Nội và các điểm lân cận. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo phát triển thêm các loài thủy sản có giá trị cao từ nuôi lồng, bè trên các hồ chứa lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Tỉnh ta đặt ra kế hoạch, đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt trên 3.000 ha, phát triển lên 5.500 lồng nuôi, sản lượng thủy sản đạt khoảng 15.000 tấn/năm. Để đạt được mục tiêu này, theo Chi cục Thủy sản, tỉnh cần tập trung đầu tư để ngành thủy sản phát triển tương xứng, cân đối trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng giống loài, hình thức nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và tránh rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường để đảm bảo nuôi an toàn đối với sản phẩm thủy sản và tạo được thị trường bền vững. Tổ chức các hình thức quảng bá sản phẩm phù hợp, truyền thông, tiếp thị, tạo sự hiểu biết đúng về thủy sản của tỉnh, nhất là đối với sản phẩm thủy đặc sản.

Với mong muốn hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp mở rộng SX-KD, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng đề đạt: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực nuôi trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ cá lòng hồ sông Đà. Hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp xây dựng khu sơ chế đóng gói và sản xuất các sản phẩm chế biến từ thủy sản áp dụng công nghệ cao; tham gia xúc tiến thương mại, các hội chợ, triển lãm sản phẩm. Từ đó mang nông sản đặc trưng của tỉnh tới mọi miền đất nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.

 

Cũng để phát triển bền vững nuôi cá hồ chứa, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thúc đẩy sự tham gia của các sàn thương mại điện tử trong việc đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân SX-KD tiếp cận công nghệ thông tin; kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số; cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử... Đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi lồng, bè hình thành các HTX nghề cá liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hướng sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới. Mở rộng quy mô lồng, bè nuôi trên các thủy vực; lựa chọn phát triển đối tượng nuôi chủ lực theo Đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phấn đấu có từ 6 - 8 sản phẩm cá nuôi lồng, bè đạt chứng nhận OCOP của tỉnh.