DetailController

Tuyên truyền hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản hồ chứa

01/08/2022 00:00
Bài 1 – Đánh thức lợi thế vùng hồ

Tuy là tỉnh miền núi, song Hòa Bình lại có tiềm năng phát triển thủy sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thủy lợi, thủy điện. Ngoài ra, còn có các sông, suối lớn có thể nuôi cá lồng bè hoặc tổ chức quản lý bảo vệ để tái tạo phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên. Đặc biệt, hồ thủy điện Hòa Bình dài trên 80 km, tổng diện tích mặt nước gần 8.900 ha thuộc 16 xã, phường ven hồ. Nơi đây được coi là kho tàng quý báu về thuỷ sinh vật và nguồn lợi thuỷ sản của vùng Tây Bắc.
Công ty TNHH thủy sản Mavin Hòa Bình đầu tư nuôi cá lồng theo công nghệ tiên tiến, mang lại năng suất, chất lượng cao.

Nhận diện được tiềm năng, lợi thế và vai trò của nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa góp phần cải thiện sinh kế, tạo việc làm, thu nhập, nâng sản lượng thủy sản, những năm qua, ngành nghề này đã phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Hiện, Hòa Bình được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) xác định là tỉnh nuôi cá lồng trên hồ chứa lớn nhất cả nước.

 

Đánh giá về tiềm năng nuôi trồng thủy sản hồ chứa, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có trên 500 hồ chứa thủy lợi. Đặc biệt là hồ Hòa Bình có dung tích rất lớn. Hồ được thiết kế đa mục tiêu phục vụ phát điện, cung cấp điện cho đất nước, chống lũ, giảm nhẹ thiên tai, cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế to lớn và góp phần phát triển KT-XH của đất nước, trong những năm qua, hồ thủy điện Hòa Bình đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Với cảnh quan đẹp, tiềm năng mặt nước lớn, hồ đã được khai thác về du lịch và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và các chính sách thúc đẩy nuôi cá lồng bè, được người dân vùng hồ và nhiều doanh nghiệp, HTX tích cực tham gia. Qua đó đã nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung và ngành thủy sản nói riêng.

 

Theo đó, ngày 13/6/2014, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Trên cơ sở Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ chủ trương này nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đối với các sản phẩm có ưu thế và khả năng cạnh tranh như các loại cá: lăng, chiên, tầm, trắm đen, bỗng, rô phi, điêu hồng...; đồng thời phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Với định hướng và sự hỗ trợ sát thực của tỉnh đã khuyến khích nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình phát triển mạnh. Nếu như giai đoạn trước khi ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, tổng số lồng nuôi mới có 1.700 lồng thì hiện đã đạt 4.750 lồng. Đa số lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến là lồng lưới, khung sắt, thể tích đạt từ 70 - 100 m3/ lồng. Quy mô sản xuất chuyển dần từ nhỏ lẻ, nhiều chủng loại sang sản xuất tập trung sản phẩm có lợi thế. Hình thức sản xuất hợp tác, liên kết tăng; thành phần kinh tế tư nhân tham gia ngày càng sâu rộng vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

 

Qua nghiên cứu, đánh giá đúng nguồn tài nguyên quý báu hồ Hòa Bình, từ năm 2018, Công ty TNHH thủy sản Mavin Hòa Bình (Tập đoàn Mavin) đã đầu tư khai thác 100 ha mặt nước hồ Hòa Bình tại xã Hiền Lương (Đà Bắc) để nuôi trồng thủy sản với công suất thiết kế 100 lồng tròn, cho sản lượng khoảng 5.000 tấn cá/năm. Từ nguồn nước sạch và công nghệ nuôi tiên tiến, quy trình dinh dưỡng chặt chẽ, sản phẩm cá hồ Hòa Bình của Mavin đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, với việc đảm bảo quy trình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tuân thủ thời gian nuôi, đảm bảo thức ăn cho cá không có chất kích thích,… Công ty TNHH thủy sản Maivin Hòa Bình đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cá Sông Đà – Hòa Bình đối với sản phẩm cá rô phi, điêu hồng - chứng nhận cho các sản phẩm cá đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng cảm quan, lý hóa và quy định khai thác hoặc nuôi. Sản phẩm cá sông Đà của Mavin được người tiêu dùng các thị trường lớn tin dùng, nhất là thị trường Hà Nội. Trong năm 2021, Công ty TNHH thủy sản Maivin Hòa Bình đã xuất khẩu được sản phẩm cá rô phi sông Đà sang thị trường Mỹ, mở ra cơ hội đưa nông sản Hòa Bình vươn xa.

 

Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng là một trong hai doanh nghiệp nuôi cá lồng quy mô lớn trên hồ Hòa Bình kết hợp với chế biến. Ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc công ty cho biết: "Hòa Bình có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản. Đặc biệt, thương hiệu cá sông Đà ngày càng khẳng định vị trí vững chắc đối với người tiêu dùng. Cá được khai thác, nuôi trồng ở hồ Hòa Bình cho sản lượng cao, chất lượng tốt. Trong những năm qua, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng đã có sự phát triển nhất định. Ngoài hệ thống trang trại với 180 lồng nuôi cá ở tổ Tháu, phường Thái Bình, chúng tôi còn mở rộng vùng nguyên liệu liên kết với các hộ dân nuôi cá tại vùng hồ sông Đà. Công ty đạt tổng sản lượng khoảng 500 tấn cá/năm với các sản phẩm chủ yếu là trắm đen, lăng vàng, lăng đen, lăng đuôi đỏ, chép giòn, rô phi và một số loại khác được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP". Không chỉ nuôi trồng, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng đã chế biến sản phẩm ruốc cá trắm đen, lăng vàng, lăng đen sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, HACCP là quy trình khép kín, kiểm soát chặt chẽ các khâu từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm hoàn chỉnh. Sản phẩm ruốc cá đã tham gia Chương trình OCOP của tỉnh và đạt chứng nhận 4 sao năm 2020.

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản, đến nay, nuôi cá hồ chứa của tỉnh đã có 4.750 lồng, sản lượng nuôi lồng đạt trên 5.590 tấn/năm. Giá trị sản xuất theo giá so sánh ngành thủy sản đạt 254 tỷ đồng/năm, tăng 65% so với trước khi ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU. Theo giá hiện hành, nuôi trồng thủy sản đạt 560 tỷ đồng, chiếm 77% giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng 24% so với trước khi ban hành Nghị quyết. Thu nhập bình quân 1 lồng nuôi 50 m3 đạt từ 50 - 70 triệu đồng/năm, tương đương giá trị thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 200 triệu đồng.

Phát triển nuôi cá vùng hồ đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động. Hiện có 25 cơ sở nuôi trên 20 lồng, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng. 7 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đã ký kết liên doanh với các hộ nuôi cá lồng hợp quy chuẩn VietGAP, mỗi năm cung cấp trên 2.000 tấn cá thương phẩm ra thị trường. Có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà tại Hà Nội, tương ứng khoảng 500 lồng nuôi.

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện thành công mô hình chuỗi an toàn thực phẩm cá sông Đà trên 2 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại 5 huyện vùng hồ với quy mô 300 lồng nuôi, 70 hộ tham gia bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Triển khai 3 đề tài khoa học ứng dụng công nghệ cao nuôi cá lồng trên vùng hồ và 1 đề tài ương cá giống trong lồng đạt kết quả tốt.

Nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được phát triển mạnh. Sản phẩm tôm, cá sông Đà được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh tin dùng. Nhãn hiệu cá, tôm sông Đà Hòa Bình được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, là điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường xuất khẩu.(Cồn nữa)