DetailController

Các dự án kêu gọi đầu tư

Huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh

23/10/2023 16:30
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp, sự quan tâm phối hợp thực hiện của các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, 3 năm qua, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Ban Dân tộc đã tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kịp thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; các văn bản là cơ sở quan trọng để tiến hành tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hạ tầng đường giao thông nông thôn được cải thiện

Với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh giảm 33 số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 và Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã giảm 08/59 xã đặc biệt khó khăn, còn lại 51 xã đặc biệt khó khăn. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp thống nhất, xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; việc xây dựng kế hoạch vốn của Chương trình trên cơ sở nguyên tắc tiêu chí, định mức vốn và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 tổng kinh phí 1.573.509 triệu đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 1.445.223 triệu đồng. Nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương 144.523 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh 8.782 triệu đồng, vốn ngân sách huyện 135.741 triệu đồng. Kế hoạch vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2023 tổng kinh phí 601.434 triệu đồng nguồn ngân sách Trung ương. Theo Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nguồn lực để thực hiện Đề án của tỉnh là 9.693.875 triệu đồng. Tuy nhiên nguồn vốn được Trung ương đã giao và dự kiến giao cho tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu của tỉnh, vì vậy việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình gặp rất nhiều khó khăn.

Nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023 tổng kinh phí 720.680 triệu đồng. Nguồn vốn Trung ương 635.706 triệu đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương 84.974 triệu đồng. trong đó kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2022 tổng kinh phí 281.839 triệu đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 274.535 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương 7.304 triệu đồng. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2023 tổng kinh phí 438.481 triệu đồng, nguồn vốn Trung ương 361.171 triệu đồng, nguồn vốn 77.670 triệu đồng. Vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2023 tổng kinh phí 601.434 triệu đồng nguồn ngân sách Trung ương. Kế hoạch năm 2022, kinh phí 149.025 triệu đồng; kế hoạch năm 2023, kinh phí 452.409 triệu đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện lồng ghép Chương trình là 520.376 triệu đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới 307.270 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững 162.606 triệu đồng. Vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội là 16.200 triệu đồng, ước đến hết năm 2023 đạt khoảng 30.000 triệu đồng. Vốn hỗ trợ ODA vào các xã đặc biệt khó khăn 20.500 triệu đồng. Chương trình đã triển khai thực hiện 10 dự án và 16 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc. Tính đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt 32,29%; nguồn vốn sự nghiệp đạt 13,52%.

Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện thường xuyên, tập trung cao cho công tác tuyên truyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận tổ quốc, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, Trung ương, tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức về quan điểm đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông báo công khai kế hoạch, danh mục và vốn đầu tư của Chương trình để nhân dân, cộng đồng biết và cùng chung tay thực hiện, đồng thời tự kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, nhân dân có nhận thức đúng về thực hiện các dự án thuộc Chương trình, khơi dậy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong nhân dân, tạo động lực nhằm phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới./.