Việc hoàn thiện thể chế, trọng tâm là lãnh đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được tỉnh Hòa Bình chú trọng. Cụ thể, chủ động, kịp thời thể chế hóa các chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tế của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với đất đai, các chế độ chính sách của Nhà nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt việc công khai thủ tục hành chính, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị theo quy định tại trụ sở và trên trang thông tin điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tìm hiểu, tra cứu và giám sát việc triển khai thực hiện của từng cơ quan, đơn vị. Duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 16 sở, ngành; 11 huyện, thành phố và 210 xã, phường, thị trấn. Có 241 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, 19 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đều đạt mức độ 1 và mức độ 2, có 3 dịch vụ đạt mức độ 3, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn.
Cùng với cải cách hành chính, tỉnh Hòa Bình cũng có nhiều đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Đã lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng, hướng tới cơ cấu nhân lực hợp lý, tập trung triển khai Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên; chính sách khuyến khích học tập và thu hút nhân tài; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nguồn nhân lực trong tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó đào tạo nghề tăng từ 29% năm 2011 lên 45% vào năm 2015. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp được nâng lên; tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học ngày càng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình cũng tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong 5 năm qua, cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh đã ban hành, điều chỉnh cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nhân dân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với tổng vốn đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, với nhiều dự án quan trọng. Hạ tầng cung cấp điện năng được quan tâm đầu tư, trong đó xây dựng mới trên 137 km đường dây 500kV, trên 50km đường dây 110kv, 5 trạm biến áp 110kV có tổng dung lượng 156 MVA; trên 701km đường dây trung áp với 497 trạm biến áp, tổng dung lượng 98.536 kVA; trên 1.667 km đường dây hạ áp và nhiều công trình điện sinh hoạt. Đã cấp điện lưới quốc gia cho 100% số xã, phường, thị trấn và 99,4% hộ dân. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành trên 40 công trình hồ, đập, diện tích tưới tăng thêm trên 1.500ha đất nông nghiệp; đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng nhiều công trình nước sạch hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Đến nay, hoàn thành việc lập và công bố Quy hoạch chi tiết 8 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp; giao chủ đầu tư hạ tầng được 5 khu công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Lương Sơn đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật với diện tích cho thuê đối với nhà đầu tư thứ cấp đạt 81,5% diện tích đất công nghiệp, Khu công nghiệp Nam Lương Sơn đã lấp đầy 74% diện tích đất công nghiệp, Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà đã lấp đầy 63% diện tích đất công nghiệp. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phát triển nhanh, mạng truyền dẫn đã được cáp quang hóa đến 11 huyện, thành phố, 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện được nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và kết nối internet. Trên 80% doanh nghiệp có kết nối Internet sử dụng băng thông rộng. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại./.