Hiện nay, tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt trên 113.400 con, bằng 98% so kế hoạch giao; tổng đàn bò đạt 91.600 con, bằng 102% so với kế hoạch; tổng đàn lợn đạt 488.100 con đạt 99,6%; tổng đàn gia cầm hiện nay là 8.880 nghìn con đạt 92,2%; đàn dê duy trì trên 51.000 con.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến tháng 7/2024 đều vượt so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, sản lượng trâu xuất chuồng đạt 347 tấn, bằng 103,75% so với cùng kỳ; bò xuất chuồng đạt 270 tấn, bằng 103,81%; lợn hơi xuất chuồng đạt 5.879 tấn, bằng 104,58%; thịt gia cầm xuất chuồng đạt 1.926 tấn, bằng 105,51%. Hiện nay, giá lợn hơi đã ổn định và đang giao động ở mức 68.000 đồng 70.000 đồng/kg, giá gà Lạc Thủy hiện nay là 105.000 - 110.000 đồng/kg, gà đồi địa phương có giá 125.000 - 135.000 đồng/kg. Sản lượng thịt hơi tăng song song với việc giá đầu ra ổn định ở mức khá đã khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, phát triển đàn.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, với công suất thiết kế trên 600 nghìn tấn. Trong tháng sản lượng ước đạt 35 nghìn tấn. Chăn nuôi nông hộ tiếp tục ứng dụng kỹ thuật chế biến, tận dụng sản phẩm vụ trong nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế thành phố tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp tình vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh theo tiêu chí 17.9 và 17.8 của Bộ tiêu chí nông thôn mới. Kết quả, tiêu chí 17.9 chiếm tỷ lệ 74,24%, tiêu chí 17.8 chiếm tỷ lệ 40,12%.
Chi cục đang tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đồng thời báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của địa phương theo quy định. Chi cục cũng tiếp tục hướng dẫn các địa phương và trang trại chăn nuôi tập trung lấy mẫu giám sát phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Triển khai kịp thời Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nuôi theo quy định. Chi cục đã cấp phát 10.000 lít hóa chất khử trùng nguồn dự trữ quốc gia cho 7 huyện để phục vụ công tác chống dịch của các địa phương (Đà Bắc, Mai Châu, Kim Bôi, thành phố Hòa Bình, Cao Phong, Lạc Sơn, Yên Thủy). Trong tháng các địa phương đã triển khai tiêm phòng được trên 13.300 liều vắc xin Dại; 27.000 liều vắc xin Lở mồm long móng; 4.400 liều vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò; 1.200 liều vắc xin cho đàn dê; 16.500 liều vắc xin cho đàn lợn; 360.000 liều vắc xin cho đàn gia cầm. Lũy kế từ đầu năm các địa phương triển khai tiêm gần 1 triệu liều vắc xin các loại cho vật nuôi.
Một số bệnh dịch khác như: Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu phi xuất hiện nhỏ, lẻ tại một số địa phương. Các địa phương đang tiếp tục triển khai biện pháp phòng dịch. Lũy kế đến tháng 7/2024, đã có 27 địa phương công bố ổ dịch Bệnh Tả lợn Châu Phi. Hiện có 7 xã công bố hết dịch.
Trong tháng tiếp theo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế thành phố triển khai hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi. Trong đó tập trung quyết liệt công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, giết mổ, tiêu thụ động vật mắc bệnh, động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu trái phép từ các địa phương khác vào địa bàn. Tăng cường giám sát quản lý tốt hoạt động hành nghề và sử dụng thuốc thú y hoạt động kinh doanh, buôn bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn./.