Thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, thực hiện các mục tiêu đã đề ra và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dự án sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Tập đoàn Esquel có tổng mức đầu tư 25 triệu USD, quy mô sản xuất giai đoạn 1 là 7 triệu sản phẩm/năm, 100% sản phẩm xuất khẩu, được cấp phép vào năm 2011, khởi công năm 2012, chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2014, đến nay đã đi vào hoạt động ổn định.
Dự án tại Khu công nghiệp Lương Sơn là nhà máy thứ 3 của Tập đoàn Esquel xây dựng tại Việt Nam được thiết kế theo công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đã tạo nên thành công của Tập đoàn, tạo một hình ảnh mới về lĩnh vực sản xuất của ngành dệt may có giá trị gia tăng cao trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng. Bên cạnh đó, công nhân được đào tạo, tập huấn và làm việc trong môi trường công nghệ hiện đại, thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất. Từ đầu năm 2015 đến nay, đã thực hiện doanh thu và giá trị xuất khẩu xấp xỉ 20 triệu USD, nộp ngân sách 0,634 triệu USD, giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động.
Nhiều dự án FDI khác cũng có tiến độ triển khai tích cực, dự án 75 triệu USD của Công ty Nissin Manufacturing Việt Nam tại Khu công nghiệp Lương Sơn nằm trong chiến lược phát triển Nissin nhằm mở rộng thị trường ô tô, xe máy, là cơ sở quan trọng sản xuất linh kiện xe máy, tiến tới xây dựng trung tâm sản xuất linh kiện ô tô phát triển của khu vực Đông Nam Á đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2014. Từ đầu năm 2015 đến nay, Công ty đạt doanh thu 6,39 triệu USD, nộp ngân sách 0,7 triệu USD, giải quyết việc làm cho 144 lao động. Công ty thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành. Một số dự án FDI khác như dự án 36 triệu USD của Công ty Aminel sản xuất các thiết bị từ nhôm; Doosung Tech Việt Nam tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng có tiến độ triển khai khá hiệu quả, tạo ra năng lực sản xuất mới, tăng giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm, đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 396 dự án, trong đó 30 dự án FDI vốn đăng ký 464 triệu USD. Phần lớn các dự án FDI đi vào hoạt động tốt, tập trung ở các Khu công nghiệp Lương Sơn, bờ trái sông Đà, các chỉ tiêu về doanh thu, giá trị xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm đều tăng hàng năm. Dự kiến năm 2015, các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động.
Thời gian tới, để thu hút nhiều nhà đầu tư, tỉnh Hòa Bình cần phân tích, đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Công khai, minh bạch thông tin để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu và định hướng sản xuất - kinh doanh trên địa bàn; cải cách hành chính, rà soát các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, đăng ký doanh nghiệp...