DetailController

Trồng trọt

Đà Bắc phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đạt bình quân 4,0 – 4,5%/năm

19/04/2024 16:56
Nhằm phát triển trồng trọt góp phần đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng giá trị kinh tế gắn với tạo việc làm, thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, huyện Đà Bắc ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt với mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đạt bình quân 4,0 – 4,5%/năm.
Huyện duy trì khoảng 300 ha rau, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong huyện

Phấn đấu đến năm 2023: Đảm bảo tưới chủ động cho 100% diện tích đất chuyên trồng lúa. Tỷ lệ diện tích sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt (GAP và tương đương...), được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 5 - 10%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt chủ lực được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 20 - 25%. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 70 - 75 triệu đồng. Tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo cung cấp nông sản, sản phẩm trồng trọt trong và ngoài huyện. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và thu hút các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và an ninh lương thực. Chủ động tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Bảo đảm phát triển sản xuất gắn với hiện đại hóa xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Huyện định hướng thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đảm bảo phù hợp với phương hướng phát triển của ngành, lĩnh vực; Phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của huyện. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn phát thải các bon thấp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm trồng trọt chủ lực. Phát huy lợi thế của mỗi địa phương để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa nông sản gắn với chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu. Phát triển trồng trọt thông qua liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi.

Để thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt, huyện tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chủ đạo là phát triển cây trồng dựa trên thế mạnh thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Tập trung hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt lợi thế từng vùng, địa phương theo 03 nhóm sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm nằm trong danh mục các sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền. Trong đó, phấn đấu nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, ổn định 2.000 ha đất trồng lúa; sản lượng đạt trên 10.800 tấn thóc/năm, đảm bảo an ninh lương thực, cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội huyện. Nâng tỷ lệ diện tích gieo trồng các giống lúa có chất lượng cao trong tổng diện tích gieo trồng lúa lên trên 80%; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận lên trên 90%. Sử dụng cơ giới hóa từ làm đất đến thu hoạch. Phục tráng, duy trì các giống lúa bản địa có ưu thế, phát triển sản xuất gạo hữu cơ ở các vùng sinh thái phù hợp. Đối với cây ngô, duy trì diện tích khoảng 3.000 ha/năm. Khuyến khích trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, ngô thực phẩm phục vụ thị trường ăn tươi, chế biến. Tận dụng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, sản xuất vụ đông để tăng diện tích.  Cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi): Phát triển và duy trì ổn định diện tích khoảng 157,98 ha, tập trung nâng cao giá trị gia tăng, giá trị thu nhập. Phát triển ổn định và duy trì diện tích tập trung khoảng 129 ha cây chè; duy trì khoảng 300 ha rau; 2.900 ha cây sắn. Đối với cây dược liệu: Ưu tiên phát triển các loài: cà gai leo, giảo cổ lam, xạ đen, linh chi, khôi nhung, gừng, nghệ và các dược liệu khác. Tăng cường chứng nhận nhãn hiệu chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm; tận dụng tốt quỹ đất vườn, gò đồi, bưa bãi để phát triển thành các vùng sản xuất tập trung. Tiếp tục triển khai, hoàn thiện xây dựng vùng trồng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Bên cạnh đó, tập trung tổ chức nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, đảm bảo phát triển bền vững. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo quy hoạch và dựa trên kết quả Đề án xây dựng bản đồ thổ nhưỡng và phân hạng thích nghi đất sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của thị trường; phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học... Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo,...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...). Đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô, giới thiệu công nghệ và cách quản lý mới…./.