DetailController

Trồng trọt

Đà Bắc: Phấn đấu đến năm 2030 diện tích chè toàn huyện đạt khoảng 128 ha

04/07/2024 16:58
Nhằm cụ thể hóa các nội dung tại Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và văn hóa bản địa; phù hợp với truyền thống sản xuất, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Đà Bắc đã ban hành Kế hoạch thực hiện Phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn huyện Đà Bắc giai đoạn 2024 – 2030.
Người dân xã Trung Thành, huyện Đà Bắc phát triển diện tích chè xen canh với trồng rừng

Huyện chủ trương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; ứng dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật, cải thiện nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển thương hiệu có sức canh tranh cao, nâng cao giá trị thu nhập cây chè. Cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án liên kết phát triển sản xuất tập trung; đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với người trồng chè; phát triển kinh tế tuần hoàn, khai thác đa giá trị giữa phát triển cây chè với văn hóa, du lịch và dịch vụ. Với mục tiêu chung phát triển các vùng nguyên liệu chè tập trung nhằm nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến chế biến, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, hữu cơ…); xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, ổn định diện tích chè toàn huyện khoảng 128,80 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 36,49 tạ/ha, sản lượng ước đạt 470,0 tấn. Phấn đấu diện tích chè ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng (IPHM), áp dụng các quy trình sản xuất tốt, an toàn (GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ...) và tỷ lệ sản phẩm được sản xuất dưới hình thức hợp tác, liên kết chiếm trên 80%. Đa dạng hóa sản phẩm chè, phấn đấu các sản phẩm trà chế biến sâu đạt trên 20% trong cơ cấu chế biến.  100% thành viên HTX sản xuất nông nghiệp, nông dân nòng cốt tại vùng sản xuất chè tập trung được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, cập nhật và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường. Phấn đấu 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc. Bảo tồn diện tích chè Shan tuyết cổ thụ hiện có.

Định hướng đến năm 2023, ổn định diện tích khoảng khoảng 128,80 ha, gồm: Vùng nguyên liệu chè Shan tuyết tập trung khoảng 100 ha tại 05 xã: Yên Hòa, Trung Thành, Đoàn Kết, Tân Pheo, Cao Sơn. Ngoài diện tích chè Shan tuyết trồng thâm canh, cần bảo tồn và duy trì phát triển tốt diện tích chè Shan tuyết cổ thụ sẵn có.

Định hướng bố trí các điểm sơ chế chè với công suất phù hợp cho từng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo cho tiến độ thu hái và sơ chế nguyên liệu ngay trong ngày. Cải tiến, nâng cấp dây chuyền, công nghệ chế biến chè xanh, chè đen, phù hợp đặc điểm từng nhóm chè (chè Trung du, chè Shan tuyết); đồng thời áp dụng công nghệ để tạo sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng (trà túi lọc, matcha, nước giải khát, thảo dược, mỹ phẩm...). Bên cạnh các nhà máy chế biến chè, cần bảo tồn, phát huy tốt các xưởng chè thủ công quy mô hộ gia đình gắn với văn hóa bản địa và sản phẩm đặc sản./.