Chương trình hành động xác định mục tiêu đến năm 2023: Hòa Bình đạt trình độ phát triển ở mức thu nhập trung bình khá của cả nước trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, với vị trí là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc. Kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó: Công nghiệp là động lực; du lịch là mũi nhọn; nông nghiệp sản xuất hàng hóa, công nghệ cao là nền tảng; gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh và đô thị xanh. Phát triển kinh tế gắn với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) bình quân khoảng 9%/năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 185 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động 8%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động dưới 45%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 32-35%. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản trên 80%. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 9-10%/năm. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 14-15%/năm. Đến năm 2030, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 65-70% tổng giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp. Phấn đấu 100% các Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) có chủ đầu tư hạ tầng; tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN, CCN được thành lập theo quy định bình quân đạt từ 80%. Hoạt động của các KCN, CCN đóng góp từ 20-30% tổng thu ngân sách Nhà nước; giải quyết việc làm trên 100.000 lao động. Hình thành được một số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh có năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh; dần làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP. Hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 43,18%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 – 2,5%/năm theo tiêu chí mới. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), tái sử dụng, tái chế chất thải. Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 100%. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt 100%, dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt 100%, chất thải rắn đô thị đạt 95%.
Tầm nhìn đến năm 2045: Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao, là trung tâm dịch vụ du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Kinh tế phát triển dựa trên các động lực phát triển là kinh tế số, hệ thống đô thị thông minh và các khu chức năng kinh tế kỹ thuật hiện đại được hoạt động và kết nối hiệu quả với thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc bằng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh, nhất là văn hóa Dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình. Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh; môi trường sống của người dân được cải thiện. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
Theo đó, đề ra 10 chương trình gồm có: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chủ động tham mưu đề xuất với Chính phủ xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Xây dựng công nghiệp tỉnh Hòa Bình phát triển tốc độ tăng trưởng cao, thân thiện mới môi trường, bền vững và hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Thực hiện có hiệu quả chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững; Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm an sinh xã hội…/.