DetailController

Giáo dục

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

05/07/2024 15:08
Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc từ khâu tuyên truyền, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đến việc tổ chức kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết định kỳ. Công tác tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh, góp phần nâng cao ý thức tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời của các tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh.

Quy mô, mạng lưới tổ chức Hội khuyến học từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp,... được quan tâm, củng cố thường xuyên, mạng lưới hội khuyến học đến cộng đồng dân cư được phát triển, mở rộng và hoạt động có chất lượng, gắn kết các tiêu chí công nhận mô hình học tập, công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập. Tính đến nay, toàn tỉnh có 01 tổ chức Hội Khuyến học tỉnh, 10 tổ chức Hội Khuyến học huyện, thành phố, 40 Ban Khuyến học trực thuộc Hội Khuyến học tỉnh; 151 Hội khuyến học cơ sở xã, phường, thị trấn; 2.774 Ban Khuyến học trực thuộc Hội Khuyến học cấp huyện; 1.482 Chi hội Khuyến học; tổng số hội viên là 239.227 người chiếm 28,04% dân số; hội viên là đảng viên chiếm trên 90% tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm, chú trọng phát triển các loại hình đào tạo nhằm phát huy tối đa những ưu điểm, tạo điều kiện học tập thuận lợi, mở ra cơ hội học tập cho nhiều người, không bị hạn chế về thời gian, địa điểm, tăng khả năng tự học và không bị ràng buộc bởi thời gian. Kết quả việc gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên, giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục, khai thác có hiệu quả tài nguyên giáo dục mở, trong đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội Khuyến học tỉnh tổ chức các Hội nghị tập huấn ở cấp tỉnh, cấp huyện để hướng dẫn sử dụng “Bộ công cụ đánh giá, công nhận mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030” nhằm đẩy nhanh tiến độ tiếp cận Công nghệ số, áp dụng vào việc xây dựng các mô hình học tập nói chung, mô hình công dân học tập nói riêng . Việc triển khai bộ công cụ đánh giá, công nhận công dân học tập trên hệ thống phần mềm trực tuyến được triển khai, thực hiện khá đồng bộ; toàn tỉnh đã có 1.878 tài khoản tổ chức thuộc các Chi hội thôn, xóm, tổ dân phố và Ban khuyến học các cấp; có 61.653 tài khoản cá nhân đăng ký trên hệ thống phần mềm. Hội Khuyến học các cấp chú trọng công tác phối hợp với cơ quan, ban, ngành trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa, thư viện. Các xã, phường, thị trấn tự chấm điểm, xếp loại và lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện về kiểm tra công nhận theo hướng dẫn. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra và ban hành quyết định công nhận kết quả xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Kết quả toàn tỉnh có 151 xã, phường, thị trấn tổ chức đánh giá, xếp loại, trong đó xếp loại Tốt 109 đơn vị, đạt 72.2 %; xếp loại Khá 35 đơn vị, đạt 23.2%; xếp loại Trung bình 7 đơn vị, đạt 4.6%.

Công  tác giáo dục hướng nghiệp được quan tâm thực hiện theo Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ  và Kế hoạch 137/KH-UBND, ngày 24/7/2019 của Ủy ban nhân tỉnh về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh. 100% các trường Trung học cơ sở, trường Tiểu học và Trung học cơ sở, Trung học phổ thông triển khai thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp và tổ chức tốt việc tư vấn phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho phụ huynh và học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về các ngành nghề của địa phương, cơ hội việc làm cho học sinh. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh Trung học phổ thông. Giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Các Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên được củng cố, đa dạng các loại hình đào tạo, huy động tối đa người dân tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa. Hằng năm, các Trung tâm đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, trường học, Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học tập và huy động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, dạy nghề, giáo dục kỹ năng sống. Trong 5 năm qua, các Trung tâm đã thu hút được 17.258 học viên tham gia học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, 10.536 học viên nghề ngắn hạn, 15.432 học viên tham gia hướng nghiệp, 2.587 học viên tiếng dân tộc Thái, Mông, 20.548 học sinh, sinh viên và người lao động học kỹ năng sống; 1.294 học viên học liên kết đào tạo đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh vai trò và hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức các lớp học chuyên đề, hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, tạo cơ hội học tập cho các đối tượng học phổ cập được học tập. Toàn tỉnh có 151/151 xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm đã tích cực thực hiện chương trình đáp ứng nhu cầu, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong cộng đồng, là cơ sở thiết yếu để xây dựng xã hội học tập; đến nay có 78 Trung tâm xếp loại Tốt, chiếm 51,7%; 68 Trung tâm xếp loại Khá, chiếm 45%; 05 Trung tâm xếp loại Trung bình, chiếm 3,6%. Trong 5 năm qua các trung tâm huy động được 2.060.589 lượt học viên tham gia. Với phương châm “học tập suốt đời”, "cần gì học nấy”, “người biết dạy người chưa biết”, các trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực đáp ứng nhu cầu học tập của người dân . Các Trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; góp phần ổn định chính trị - xã hội, xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân và mối liên kết giữa các đoàn thể, tổ chức xã hội trong cộng đồng xã, phường, thị trấn; giúp người dân phát triển kinh tế, biết cách xoá đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, phấn đấu làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở các cộng đồng dân cư”. Bên cạnh đó, thông qua các chuyên đề về lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, Trung tâm học tập cộng đồng hướng dẫn người dân biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, môi trường sống của cộng đồng được cải thiện./.