DetailController

Trồng trọt

Yên Thủy: Tăng cường các biện pháp phòng, trừ sâu, bệnh hại trên cây trồng vụ Xuân năm 2024

05/04/2024 15:59
Vụ Xuân 2024, huyện Yên Thủy gieo trồng khoảng 669 ha cây lúa, trên 1.500 ha cây ngô, cây lạc khoảng 950 ha. Hiện tại các loại cây đang trong thời kỳ sinh trưởng chuẩn bị cho sản phẩm, với điều kiện thời tiết như hiện nay rất thuận lợi để cho sâu bệnh hại phát sinh trên cây trồng.
Giai đoạn này, các cây trồng như lúa, ngô, lạc đang trong thời kỳ sinh trưởng chuẩn bị cho sản phẩm do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây

Vụ xuân năm 2024, toàn huyện có diện tích cây lúa khoảng 669 ha, hiện nay cây lúa đã kết thúc giai đoạn đẻ nhánh và bước vào giai đoạn làm đòng, với điều kiện thời tiết hiện tại rất thuận lợi để các đối tượng sâu bệnh hại trên phát sinh gây hại trên diện rộng, nhất là bệnh đạo ôn lá phát triển lây lan nhanh lên cổ bông đối với trà lúa đã đứng cái làm đòng, rầy nâu, rầy lưng trắng tích lũy mật độ gây hại nặng vào giai đoạn lúa trỗ, sâu cuốn lá lứa 3 gây hại trên lá đòng,...có nguy cơ cao gây thiệt hại về năng suất trên các trà lúa vụ Xuân.

Cây ngô diện tích trồng đạt 1.581,5 ha, ngô đang trong giai đoạn từ 7 lá đến xoáy nõn và trỗ. Đối tượng sâu, bệnh hại chính như sâu ăn lá: Sâu xuất hiện và gây hại mạnh từ khi ngô được 5 lá đến xoáy nõn; Sâu đục thân, bắp: Gây hại cục bộ giai đoạn ngô xoáy nõn đến chín sữa; Rệp: Xuất hiện gây hại từ khi ngô có 7 - 8 lá, gây hại mạnh vào giai đoạn trỗ cờ, diện phân bố rộng; Bệnh khô vằn: Bệnh thường phát sinh vào giai đoạn ngô được 6-7 lá và hại mạnh vào giai đoạn trỗ cờ phun râu - thu hoạch. Ngoài các đối tượng gây hại trên cần chú ý một số đối tượng chuột, bệnh đốm lá nhỏ, đốm lá lớn, bệnh gỉ sắt... gây hại.

Cây lạc diện tích trồng đạt 954,2 ha. Lạc đang trong giai đoạn phân cành, một số ruộng lạc đang xuất hiện một số sâu bệnh hại như: Sâu khoang, lở cổ rễ, đốm mắt cua, nấm sương mai, thối mốc gốc đen và trắng gây hại.

Để chủ động trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sâu, bệnh gây ra trên cây lúa, ngô và lạc làm giảm năng suất và sản lượng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn chỉ đạo, đề nghị UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên đi cơ sở chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt một số nội dung phòng, chống bệnh trên cây trồng.

Trên cây lúa vụ xuân, đối với bệnh đạo ôn lá, cần tăng cường bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến, xu hướng phát triển của bệnh đạo ôn, tham mưu với chính quyền địa phương chỉ đạo phòng trừ kịp thời để hạn chế nguồn bệnh lây lan. Thời điểm lúa bị đạo ôn lúa là giai đoạn đẻ nhánh rộ đến trỗ bông. Những ruộng đang bị bệnh cần giữ đủ nước, dừng bón phân đạm, chất kích thích sinh trưởng hay phân bón lá. Sử dụng các thuốc đặc trị xử lý các ổ bệnh mới phát sinh không để lây lan thành dịch; với những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá cần phun phòng đạo ôn cổ bông khi lúa bắt đầu trỗ, phun lại lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày. Phòng NN&PTNT huyện cũng hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc đối với những ruộng bị nhiễm bệnh.

Đối với bệnh Bạc lá - Đốm sọc vi khuẩn: Những ruộng bị bệnh cần giữ mực nước từ 3-5cm, tạm dừng bón đạm hoặc phun phân bón lá có chứa đạm hoặc chất kích thích sinh trưởng. Thời điểm phòng trừ tập trung phun phòng trừ bệnh bạc lá - Đốm sọc vi khuẩn từ nay đến trước 10/4/2023, với những ruộng bệnh nặng cần phun kép 02 lần, lần 01 cách lần 02 từ 2 -3 ngày, những ruộng phun xong gặp mưa cần tiến hành phun lại.

Ngoài các bệnh trên cần lưu ý một số đối tượng sâu bệnh như chuột, bệnh khô vằn, tập đoàn rầy, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ… để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Trên cây ngô có bệnh sâu ăn lá, sâu đục thân, sâu keo mùa thu và sâu đục bắp…cần sát sao chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động phun phòng trừ bệnh, chuột phá hại. Trên cây lạc thường xuất hiện bệnh sâu cuốn lá, sâu xanh, sâu khoang, đốm nâu, đốm đen…khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời diễn biến của sâu bệnh, xác định tuổi sâu, mật độ, mức độ gây hại, chỉ số bệnh… để xác định thời điểm, loại thuốc phun thuốc phòng trừ nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Nên tổ chức phòng trừ tập trung, đồng loạt có tính chất cộng đồng thì mới có kết quả cao./.