DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Yên Thủy lựa chọn dồn điển, đổi thửa là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới

20/08/2019 00:00
Việc BTV Huyện ủy Yên Thủy quyết định lựa chọn dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới được xuất phát từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên những thửa ruộng manh mún gặp nhiều khó khăn; thực trạng không có các tuyến đường ra các cánh đồng để sản xuất. Và trên hết là xuất phát từ việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân, muốn nâng cao thu nhập thì phải phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích canh tác. Do đó, ngoài việc chuyển đối cơ cấu cây trồng, tìm các loại cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phải đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tiết kiệm chi phí sản xuất. Muốn đưa cơ giới hóa vào sản xuất một cách hiệu quả thì phải giải quyết được tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất.
Nông dân xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy thực hiện dồn điền, đổi thửa, đưa vào sản xuất các giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn

Từ những vấn đề trên, BTV Huyện ủy đã quyết định chọn dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới. Huyện ủy, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 17/12/2012 về mục tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2013; Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của HĐND huyện khóa XVIII kỳ họp thứ 5 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 huyện Yên Thủy. Trong đó xác định công tác dồn điền, đổi thửa là nhiệm vụ trọng tâm, là tiền đề để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Việc dồn điền, đổi thửa ở huyện Yên Thủy được thực hiện theo phương châm làm thí điểm trước, sau đó tổng kết và nhân ra diện rộng. Theo đó việc thực hiện được bắt đầu từ năm 2013, khởi đầu là 3 xóm Hổ 2, Trường Long thuộc xã Ngọc Lương, xóm Ao Hay thuộc xã Yên Trị.

Kết quả bước đầu cho thấy sau một năm (2014) thực hiện thí điểm dồn điền, đổi thửa tại 3 xóm, huyện Yên Thủy đã vận động được 179 hộ dân tham gia thực hiện, tổng diện tích đã dồn điền, đổi thửa là 90,59 ha. Trước khi dồn đổi, tổng số thửa tại 3 xóm trên là 1.648 thửa, bình quân mỗi hộ 9,21 thửa, cá biệt có hộ có đến 30 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 550m2. Sau khi dồn đổi còn 508 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,84 thửa, bình quân mỗi thửa 1.783 m2. Cụ thể: Xóm Hổ 2 sau khi dồn đổi còn 203 thửa, bình quân mỗi hộ còn 3,27 thửa; xóm Trường Long còn 116 thửa, bình quân mỗi hộ còn 3,41 thửa; xóm Ao Hay còn 189 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,28 thửa.

Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa thành công ở 3 xóm, UBND huyện đã khẩn trương hoàn thiện lại quy trình, cách thức thực hiện và kiện toàn bộ máy để triển khai nhân rộng ngay từ năm 2014.

Do đó, bắt đầu từ năm 2014, huyện thực hiện nhân rộng mô hình dồn điển, đổi thửa trên toàn địa bàn. Quy trình thực hiện được chia làm 8 bước như: thành lập BCĐ; tiến hành họp chi bộ, họp toàn thể nhân dân để thống nhất chủ trương; khảo sát, xây dựng phương án dồn điền đổi thửa; sau đó BCĐ dồn điền, đổi thửa của xã sẽ họp thông qua phương án thực hiện; trên cơ sở đó tổ chức bốc thăm vị trí, đo đạc cắm mốc, giao đất ngoài thực địa cho các hộ. Bước cuối cùng, sau khi giao đất ngoài thực địa xong, xóm báo cáo kết quả thực hiện đề án, kèm theo danh sách, diện tích đất của các hộ sau dồn điền, đổi thửa về UBND xã; UBND xã lập tờ trình đề nghị UBND huyện đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.

Kết quả triển khai từ năm 2013 tới 2018: Có 44 xóm trên địa bàn 6 xã thực hiện thành công công tác dồn điền, đổi thửa; số hộ tham gia 3.835 hộ; diện tích dồn điền, đổi thửa được 1.354,38ha. Trước khi dồn 24.842 thửa, bình quân mỗi hộ 6,5 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 500 m2. Sau khi dồn đổi còn 9.032 thửa (giảm 64% số thửa), bình quân mỗi hộ còn 2,4 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 1.500 m2 (tăng 03 lần). Trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa các địa phương còn kết hợp với quy hoạch, xây dựng lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đào đắp, làm mới đường nội đồng. Các hộ đã hiến 16,2 ha đất nông nghiệp để làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng. Đã quy hoạch lại đồng ruộng, đào đắp hình thành 130km đường nội đồng, 185,02km kênh mương, lắp đặt 2.616 cống nội đồng, làm mới được 02 bai dâng và 5km kênh mương bê tông.

Sau 06 năm triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân, khẳng định dồn điền đổi thửa là chủ trương, hướng đi đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được người dân đồng tình ủng hộ.

Việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đã giúp khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm 64%, mỗi hộ chỉ còn từ 1-3 thửa, hình thành những thửa ruộng, những cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh từ đó nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho nông dân. Diện tích đất 5%, đất dãn dân, đất nghĩa trang được quy hoạch tập trung thuận tiện cho việc quản lý. Sau dồn điền đổi thửa, việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng hơn đã tạo động lực thúc đẩy nông dân sản xuất và gắn bó với đồng ruộng, giảm được các chi phí sản xuất như: giảm công làm đất, công thu hoạch, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh khoảng 10 triệu đồng/ha/năm. Quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa đã thực hiện đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thực hiện theo đúng quy định của luật đất đai, do đó được nhân dân ủng hộ.

Mặc dù còn gặp phải nhiều khó khăn do đây là mô hình mới thực hiện, làm điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; công việc liên quan trực tiếp đến lợi ích của nông dân nếu không làm khéo rất dễ gây bất bình, khó khăn trong quá trình thực hiện; ngân sách huyện nguồn thu còn ít nên chưa cân đối được nguồn kinh phí thực hiện. Tuy nhiên có thể khẳng định việc dồn điền, đổi thửa trên địa bàn huyện Yên Thủy đã thành công, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm ý nghĩa cho không chỉ riêng huyện mà còn cho các địa phương khác trong tỉnh. Đó là: Dồn điền, đổi thửa là công việc khó, phức tạp, để thực hiện thành công cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị: Huyện ủy, Đảng ủy xã, Chi bộ xóm ban hành Nghị quyết để lãnh đạo; UBND cấp huyện, cấp xã sâu sát trong chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; các tổ chức chính trị-xã hội vào cuộc tuyên truyền vận động các đoàn viên, hội viên chấp hành; đặc biệt là sự nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm của Chi bộ, ban quản lý xóm, các đoàn thể xóm và sự gương mẫu chấp hành của cán bộ đảng viên ở xóm thực hiện việc dồn điền đổi thửa sẽ quyết định thành công của việc dồn điền, đổi thửa. Việc thực hiện theo cách “dồn điền” hay “đổi thửa” phải căn cứ địa hình đất nông nghiệp của từng xóm. Nếu diện tích đất nông nghiệp tương đối bằng phẳng thì thực hiện theo cách “ dồn điền”, nếu địa hình ruộng bậc thang thực hiện theo cách “đổi thửa”, cần linh hoạt trong quá trình thực hiện. Trong quá trình dồn điền, đổi thửa cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ lợi ích thiết thực khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; phải thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải đi trước một bước làm tiền đề cho công tác dồn điền đổi thửa…./.