Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh tổ chức quản lý chặt chẽ 442 cây trội các loại; 0,6 ha vườn cây đầu dòng; 2,4 ha vườn giống; 20,0 ha rừng giống chuyển hóa. Các nguồn giống đều đảm bảo chất lượng cho thu hoạch vật liệu phục vụ sản xuất giống. Trên địa bàn tỉnh hiện có 81 cơ sở tham gia sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, gồm 11 tổ chức và 70 hộ gia đình, cá nhân. Sản xuất được 20.123.800 cây giống phục vụ trồng rừng (đạt 125,7% kế hoạch). Toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung 8.341,89 ha/5.550 ha đạt 150% kế hoạch; trồng cây phân tán 947.002 cây/906.200 cây đạt 105% kế hoạch. Khai thác 9.881 ha rừng trồng tập trung, với khối lượng 804.247,82 m3 gỗ; khai thác cây phân tán được 12.4285 m3 gỗ; 372.554,48 ste củi; 2.840.220 cây Tre, Bương, Luồng, Giang, Nứa; 7.406,6 tấn Măng tươi; 754,05 tấn dược liệu; 423,1 kg mật ong rừng... Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt là 1,015.695,67 triệu đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Rà soát hiện trường chuẩn bị trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo kế hoạch. Tỉnh có 21 dự án được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, với diện tích 475,6 ha, trong đó: 38,12 ha rừng tự nhiên; 437,48 ha rừng trồng.
Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, hướng dẫn các chủ xưởng cập nhập thông tin về nguồn gốc lâm sản vào sổ theo dõi nhập xuất lâm sản theo quy định. Trên địa bàn toàn tỉnh có 131 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 38 doanh nghiệp và 93 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân. Các cơ sở đã nhập 49.270,16 tấn Bương, tre, luồng và 334.351,23 m3 gỗ nội địa. Khối lượng sản xuất trong kỳ bao gồm đồ mộc 1.311,15m3; dăm băm 143.264,26 tấn; ván ép 65.102,56 m3; bột giấy 2.000,00 tấn, ván bóc 48.048,52 tấn, viên nén 17.139,00 tấn, gỗ xẻ 28.767,48 m3 và các sản phẩm khác (đũa, tăm, mành) 965,00 tấn. Tổng giá trị hàng hóa đạt trong kỳ 886,512 tỷ đồng. Trong đó xuất khẩu đạt 224,105 tỷ đồng, tiêu thụ nội địa đạt 662,407 tỷ đồng. Công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được tăng cường, phát hiện 44 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Trong đó, lập hồ sơ xử phạt hành chính 39 vụ; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố hình sự 05 vụ. Tịch thu 21,70 m3 Gỗ các loại (gỗ tròn nhóm thông thường 9,741 m3; gỗ xẻ nhóm thường 10,612 m3; gỗ tròn nhóm IIa 0,291 m3; gỗ xẻ nhóm IIA 0,092 m3; mảnh vụn, răm lạng gỗ nhóm IIa 0,964 m3); 05 dao phát, 01 máy hàn, 01 máy khoan, 01 máy cắt sắt, 01 cuộn dây điện; 03 cưa xăng. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 446 triệu đồng. Các vụ vi phạm được xử lý nghiêm, đúng hành vi vi phạm, có tính răn đe cao và không có khiếu nại xảy ra.
Năm 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng rừng. Duy trì ổn định độ che phủ của rừng trên 51,5%, góp phần cải thiện môi trường, cân bằng sinh thái, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, tạo nguồn sinh thủy và bảo tồn tính đa dạng sinh học. Khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai; xác định cơ cấu cây trồng hợp lý, nâng cao năng suất và chất lượng rừng bằng nhiều loài cây có giá trị kinh tế; xây dựng các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung, quy mô lớn, phát triển rừng trồng theo hướng thâm canh rừng gỗ lớn phù hợp với từng vùng sinh thái và điều kiện lập địa cụ thể, đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Quản lý tốt quy hoạch 03 loại rừng, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đúng mục đích, hiệu quả. Rà soát, đánh giá và giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định. Phối hợp tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Dự án bảo vệ phát triển rừng tỉnh Hòa Bình đảm bảo theo quy định. Kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo quản lý chặt chẽ theo chuỗi hành trình. Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch trồng rừng năm 2025. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đến nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng, chuẩn bị tốt phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Quản lý tốt các trại gây nuôi sinh trưởng, sinh sản động vật hoang dã; theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng và theo dõi thu nhập từ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn./.