DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ đối với một số nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh

01/03/2023 16:38
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cao sức cạnh tranh cho nông, lâm, thuỷ sản, các sản phẩm làng nghề của tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó đã nâng cao chất lượng, uy tín và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc”.

Trong khuôn khổ thực hiện các nội dung về khoa học và công nghệ, đặc biệt là các nội dung về khoa học và công nghệ trong Kế hoạch Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai hiệu quả những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và khai thác hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với một số nông sản, hàng hóa chủ lực của tỉnh. Trong đó, chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các địa phương xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và khai thác hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với một số nông sản hàng hóa chủ lực. Đến nay, có 60 doanh nghiệp được hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp; 14 sản phẩm nông sản đặc sản gắn địa danh. Đối với các sản phẩm nông sản, truyền thống chủ lực của tỉnh sắp hết hiệu lực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Sở đã kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các chủ sở hữu quyền thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực, như: Nhãn hiệu tập thể Mía tím Hòa Bình và Nhãn hiệu tập thể Thổ cẩm Mai Châu; sửa đổi thông tin chủ sở hữu Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể Quýt Nam Sơn, Tân Lạc. Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã bổ sung giống Cam V2 vào danh mục các sản phẩm Cam quả của huyện Cao Phong. Qua đó, đã mở rộng diện tích bảo hộ Chỉ dẫn địa lý ra toàn huyện Cao Phong. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 104 đơn đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nộp về Cục Sở hữu trí tuệ.

Sở cũng phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản, như: Gạo của huyện Mai Châu, Nhãn hiệu chứng nhận Chè Sông Bôi Lạc Thủy và Sả, tinh dầu Sả thành phố Hòa Bình,... Theo đó, các nội dung, giải pháp về tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ của các chủ sở hữu đã được Sở lồng ghép, tuyên truyền phổ biến để các tổ chức, cá nhân kịp thời nắm bắt và triển khai, góp phần hiệu quả khai thác tiềm năng sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Hiện toàn tỉnh có gần 370 văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu công nghệ. Các chủ sở hữu quyền đều có ý thức nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác lợi thế của mình.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức ký kết hợp tác với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ triển khai các hoạt động Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Ban hành Quyết định thành lập Trạm Khai thác thông tin và Dịch vụ sở hữu công nghiệp tại tỉnh. Thực hiện chuyển giao quyền sử dụng sáng chế Bằng độc quyền sáng chế “hợp chất 4-hydroxy-3-[4-(2-hydroxyethyl)-phenoxy]-benzaldehyde EdD6.1”- chiết xuất từ cây xạ đen có khả năng chống oxy hóa, phòng ngừa ung thư cho Công ty cổ phần nghiên cứu phát triển dược liệu Hòa Bình để sản xuất các sản phẩm, thực phẩm chức năng để khai thác giá trị thương mại của Sáng chế phục vụ nhu cầu của xã hội.

Công tác quản lý và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa được tăng cường. Năm 2022, có trên 30 sản phẩm nông sản, truyền thống chủ lực của tỉnh trên Website txng.hoabinh.vn. Sở triển khai kết nối 3 sản phẩm để đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia theo quy chuẩn, tạo cơ sở giúp sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh được quảng bá, kết nối giao thương, tăng cơ hội xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; tổ chức khảo sát đánh giá hoạt động quản lý, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ của các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận, Chỉ dẫn địa lý.

Tạo lập, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cũng như đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống là nhiệm vụ cần thiết và ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu, chủ động đề xuất, xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của địa phương, tạo động lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường. Đối với những sản phẩm đã được bảo hộ, chứng nhận, tiếp tục tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm gắn với quản lý tốt việc sử dụng tem, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người sản xuất./.