Ngành NN&PTNT thực hiện kế hoạch năm 2024 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề... Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, sự chủ động, nỗ lực của toàn ngành, ngành NN&PTNT vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Nhờ đó, trong năm, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó: Tăng trưởng GDP toàn ngành ước khoảng 3,3%. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 48,1 triệu tấn, tăng 0,4%; giá trị 1 ha đất trồng trọt ước đạt 127 triệu đồng, tăng 7,4% so với năm 2024. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%. Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 282.000ha, tăng 0,2%; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước 22,88 triệu m3, tăng 9,8%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 62,5 tỷ USD, tăng 18,7%; thặng dư thương mại 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% (chiếm khoảng 71,6% thặng dư cả nước). Đã có 7 mặt hàng, nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, cao su. Đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 78,7% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2.225 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 532 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 302 đơn vị cấp huyện và 5 tỉnh đạt chuẩn NTM.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp trong thời gian tới như: Kích hoạt du lịch nông nghiệp; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp, HTX, nông dân trong sản xuất kinh doanh; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn...
Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, ngành NN&PTNT tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,4-3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 64-65 tỷ USD; phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận và trân trọng những kết quả mà ngành NN&PTNT đã đạt được trong năm 2024. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch năm 2024, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm để ngành NN&PTNT thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ năm 2025.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ nút thắt để thúc đẩy phát triển ngành nhanh, bền vững; đẩy mạnh hơn nữa phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức; tập trung sắp xếp bộ máy không bỏ sót, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát....
Cùng với đó, ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành, thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm); ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát huy các sản phẩm lợi thế, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược trong phát triển nông nghiệp; thực hiện tốt liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp, khoa học, ngân hàng) trong phát triển nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và các chuỗi cung ứng; đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến thủy sản bền vững; phát triển bền vững lâm nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, chế biến gỗ; thực hiện tốt công tác phân cấp, phân quyền trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát ở vùng nông thôn; đẩy mạnh ngoại giao nông nghiệp...