Theo báo cáo về kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2013 của tỉnh, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tại các xã trên địa bàn tỉnh chiếm 76%; tuy nhiên tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề mới đạt 37%; gần 80% số lao động nông thôn qua đào tạo nghề có việc làm ngay tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động và tự tạo việc làm ngay tại địa phương. Đến nay mới có 85/191 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tăng 83 xã so với năm 2012. Theo Sở LĐ&TBXH, trong 3 năm gần đây, mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng trên 15.000 lao động, tức gần 1/5 dân số tòan tỉnh. Con số này là không nhỏ, tuy nhiên số lao động có việc làm ổn định và qua đào tạo nghề không lớn. Yếu kém và mâu thuẫn lớn nhất của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm hiện nay là mục đích đào tạo không sát với tình hình thực tế tại địa phương.
Trong mấy năm gần đây, Hòa Sơn, Lương Sơn có nhiều dự án công nghiệp đứng chân trên địa bàn, giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động tại địa phương, tuy nhiên đa phần là lao động nữ. Nam thanh niên trong độ tuổi lao động của xã khá nhiều, nhưng phần lớn không có việc làm tại chỗ, rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc phải đi tìm việc ở các tỉnh, thành phố khác.
“Ở thôn tôi có trên 80% lao động có việc làm thường xuyên, nhưng chủ yếu làm nông nghiệp và lao động tự do nên việc làm không ổn định. Một số làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp nhưng phần lớn là lao động nữ, nam thanh niên thất nghiệp khá nhiều. Tôi mong muốn nhà nước, tỉnh có những chính sách đào tạo nghề thiết thực, hỗ trợ cho người nông dân, đặc biệt là thanh niên tại các xã còn ít diện tích đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa”. Đó là tâm sự chân thành và cũng là trăn trở của chị Bùi Thị Dung, Trưởng thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn khi nói về thực trạng lao động của thôn mình. Đây cũng chính là thực trạng chung của lao động nông thôn tỉnh ta hiện nay, một cản trở không nhỏ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Chị Dung cho biết thêm: ở huyện có mở các lớp dạy nghề, nhiều thanh niên tham gia học, tuy nhiên nhiều ngành nghề như cơ khí, hàn, điện không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Số ít sau khi học nghề xin được việc tại các cơ sở hàn xì, khung nhôm kính tại huyện, số còn lại ít có cơ hội xin việc vào các công ty, xí nghiệp, việc đào tạo không sát trở thành lãng phí.
Không chỉ ở Hòa Sơn, tình trạng này rất phổ biến ở các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đơn cử như ở xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Năm 2013, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về Lỗ Sơn khảo sát tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Là một xã nghèo, Lỗ Sơn hầu như chỉ sống dựa vào nông nghiệp mà chủ đạo là cây lúa. Qua khảo sát thực tế, gần như công tác đào tạo nghề không phát huy hiệu quả tại xã, phần lớn các hộ dân vẫn sản xuất, chăn nuôi dựa trên kinh nghiệm có sẵn. Tới nay xã Lỗ Sơn mới chỉ có 50% lao động qua đào tạo nghề, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 32%, hộ cận nghèo 17%, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vẫn là một bài học nan giải của Lỗ Sơn. Cũng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trong chuyến thăm này, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo tỉnh cần tiếp tục tập trung nguồn lực, căn cứ tình hình nhu cầu lao động – việc làm cụ thể để tiến hành dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với thực tiễn địa phương; trong đó chú trọng đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm tại chỗ, sát với nhu cầu của nhà tuyển dụng ngay tại tỉnh trên các lĩnh vực phi nông nghiệp và nông nghiệp.
Sau 5 năm thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tới nay bài tóan giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn vẫn là một thách thức đối với tỉnh ta. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu tới năm 2015 đạt 45% lao động qua đào tạo và khoảng 80% số đó có việc làm ổn định. Như vậy nhiệm vụ trước mắt là rất nặng nề và khó khăn, đòi hỏi nỗ lực của các ngành các cấp, cần nâng cao trách nhiệm, tiến hành khảo sát thực tế nhu cầu lao động – việc làm tại nông thôn. Chú trọng đào tạo nghề gắn với phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, bám đất, bám rừng, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới vững từ gốc./.