DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Xây dựng hạ tầng nông thôn góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa

11/10/2021 00:00
Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung nhiều nguồn lức để hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, tạo những điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và đáp ứng nhu cầu đô thị hóa của vùng. Đến nay, diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, góp phần giúp địa phương phát huy những lợi thế về sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Xác định mang lưới giao thông là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển kinh tế- xã hội, do đó, việc đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của người dân. Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, lan rộng nhiều nơi, nhất là tại huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn. Song song với các Chương trình, dự án, Đề án Cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh giai đoạn 2017-2020 cũng đem lại nhiều nhiều quả tích cực. Đề án đã hỗ trợ 100% vật liệu khi bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại các thôn đặc biệt khó khăn, các xã khu vực 3, các xã thuộc vùng CT29 trong khi các xã thuộc khu vực 2 được hỗ trợ xi năng, cát, sỏi; các xã khu vực 1 chỉ được hỗ trợ xi măng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa được 901 công trình hạ tầng giao thông nông thôn; xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhựa hóa, bê tông hóa được 6.383 km đường giao thông nông thôn; xây mới, nâng cấp, cải tạo, bảo trì được 3.782 cầu, cống, đường tràn trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Bằng sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng của Nhân dân, nhiều vùng khó khăn trên địa bàn có cơ hội kết nối với các vùng trung tâm, khu vực lân cận để giao lưu hàng hóa, nông sản, tiếp cận, cập nhật sớm được các thông tin văn hóa, kinh tế nên đời sống Nhân dân trong vùng từng bước được nâng cao.

Hạ tầng thủy lợi tiếp tục được quan tâm đầu tư thường xuyên. Trong 13 năm, có gần 500 công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, hơn 250 km kênh mương được kiên cố, các hồ, đạp, bai, kênh mương thường xuyên được duy tu bảo dưỡng. Một số công trình lớn như Dự án Hồ Cánh Tạng, Dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo- Chẹ hạ du sông Đà, đường tỉnh 445 đi qua thành phố Hòa Bình đang được xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.900 công trình thủy lợi, 3.723 km kênh mương tưới các loại, chủ động tưới tiêu cho 53 nghìn ha cây hàng năm, tăng 4,1 nghìn ha so với năm 2015. Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng được nâng cấp, chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sử dụng của Nhân dân, hệ thống điện nông thôn trong tỉnh đang được nâng cấp và mở rộng, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện đạt 99,72%. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện đạt 100%. 100% các xã trong tỉnh đạt tiêu chí Điện trong bộ tiêu chí Nông thôn mới.

Những năm qua, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh có bước phát triển. Hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương hàng hóa và tiêu dùng của Nhân dân. Môi trường kinh doanh thương mại từng bước được cải thiện, thương nhân tự do kinh doanh theo pháp luật. Hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, chất lượng được đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác, đến nay toàn tỉnh đã có 67 công trình nông thôn được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp và sửa chữa.

Kế hoạch năm 2021, toàn tỉnh dự kiến thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, là: Xã Quang Tiến (thành phố Hòa Bình), Xã Cao Sơn (Đà Bắc), Xã Bắc Phong (Cao Phong), Xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi), Xã Gia Mô, xã Quyết Chiến (Tân Lạc), Xã Tân Lập, Xã Yên Phú (Lạc Sơn), Xã Bao La (Mai Châu), Xã Hữu lợi (Yên Thủy). Các giải pháp đầu tư hạ tầng cho kinh tế - văn hóa - xã hội, phát triển sản xuất sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị, mở ra nhiều cơ hội khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông thôn./.