DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Xã Hợp Châu: Kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội

06/05/2014 00:00
Xã Hợp Châu là xã vùng Nam của huyện Lương Sơn, cách trung tâm huyện 40km, là xã có nền kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 1.613 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 300ha, còn lại là đất lâm nghiệp và đồi núi. Toàn xã có 976 hộ với 4.256 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc anh em cùng chung sống. Đảng bộ xã có 14 chi bộ trực thuộc và 190 Đảng viên, MTTQ và các ban ngành đoàn thể hoạt động tốt, nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.

 Năm 2013, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Hợp Châu đã khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết phấn đấu thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 12,9%; trong đó cơ cấu nông, lâm, nghiệp chiếm 84,4%; tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 15,2%. Những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã xây dựng, đề ra nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế phù hợp với địa phương. Đồng thời, đề nghị huyện mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn như chăn nuôi ếch, trồng nấm, nuôi gà thả vườn, lớp dạy nghề may công nghiệp, móc vòng… đến nay duy trì được mô hình chăn nuôi gà thả vườn và móc vòng. Các mô hình đã và đang đem lại thu nhập, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Nhìn chung, đời sống nhân dân trong xã cơ bản được ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo, bình quân lương thực đầu người năm 2013 đạt 580kg/người/năm; bình quân thu nhập đầu người là 10,2 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, song trong quá trình phát triển kinh tế, sẽ luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa, văn nghệ thể thao được duy trì và phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhiều câu lạc bộ được thành lập và hoạt động tốt như câu lạc bộ dưỡng sinh thôn Đồng Kẹ, câu lạc bộ bóng mềm thôn Châu Dể, câu lạc bộ thơ của Chi Hội người cao tuổi thôn Châu Dể… Trong những năm qua, xã hưởng ứng và thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Toàn xã có 5/9 thôn được công nhận đạt danh hiệu làng văn hóa, có 647 hộ gia đình đạt danh hiệu làng văn hóa, có 647 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Công tác giáo dục của xã được các cấp ủy Đảng và xã hội quan tâm, các trường học đảm bảo phòng học, trang thiết bị dạy và học thiết yếu phục vụ công tác giảng dạy. Trường tiểu học xã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; trường THCS và trường Mầm non nhiều năm liền đạt tiên tiến. Toàn xã có 18 liệt sỹ, 05 đối tượng bệnh binh, hàng tháng, thực hiện chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng đầy đủ, kịp thời, chi trả các chế độ hỗ trợ học sinh đầy đủ, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.

Chính quyền xã thường xuyên làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những khó khăn, vướng mắc được giải quyết ngay tại cơ sở. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước được quan tâm, năm 2013 thành lập được 09 tổ dân vận ở các khu dân cư và đã đi vào hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội của xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn: hầu hết nhân dân trong xã sống bằng nghề nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào tự nhiên, xã không có hồ chứa nước, dẫn đến năng suất, sản lượng cây trồng đạt thấp; chưa có mô hình chuyển đổi cây con giống có hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung của huyện; trình độ dân trí chưa đồng đều.

Nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, năm 2014 xã Hợp Châu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5%; cơ cấu nông lâm ngư nghiệp giảm xuống còn 79%; tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 10%; thương mại dịch vụ đạt 11%; tổng giá trị sản xuất 48 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 11,3 triệu đồng/người/năm; phấn đấu giải quyết việc làm cho người lao động qua đào tạo 25%; giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%; trong đó tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo đúng hướng sản xuất hàng hóa; tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; từng bước quy hoạch vùng sản xuất mũi nhọn phù hợp với mũi nhọn của địa phương là trồng trọt và chăn nuôi; đẩy mạnh khuyến khích phát triển ngành nghề phụ, tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động tại địa phương; tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống nhân dân./.