Trong 5 năm qua, từ khi phát động chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể giúp đỡ các xã được phân công phụ trách về xây dựng nông thôn mới như: hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, tặng quà tết cho hộ gia đình nghèo từ nguồn vốn quỹ Vì người nghèo hay tổ chức các hoạt động hội nghị tuyên truyền vận động về xây dựng nông thôn mới; tổ chức các đoàn khảo sát, giám sát tại các huyện được phân công phụ trách.
Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh tổ chức 22 hội nghị cho 1.320 người là cán bộ Mặt trận cơ sở và trưởng ban công tác Mặt trận, người có uy tín, đại diện hộ gia đình tại các huyện, thành phố về công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với việc xây dựng nông thôn mới và thực hiện tiêu chí số 19 về giữ gìn an ninh trật tự. Nhờ đó, tới nay toàn tỉnh có 158.169/204.081 số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 66% khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; 100% khu dân cư trong toàn tỉnh tổ chức ngày hội “Đại đoàn kết dân tộc”.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng môi trường nông thôn, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, gắn với thực hiện tiêu chí 17 về môi trường. Vận động nhân dân dùng nước sạch và vệ sinh môi trường, tích cực tham gia trồng cây xanh; xây dựng điểm thu gom, xử lý rác thải; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; vận động nhân dân giữ gìn, quản lý và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Phát huy vai trò hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư công cộng, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư để giám sát những công trình có sự tham gia đóng góp huy động sức dân, giám sát quy hoạch, tạo điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào việc đầu tư, triển khai các chương trình, dự án ở địa phương. Từ năm 2011 đến hết năm 2015 vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư là 1.733 tỷ đồng.
Những kết quả trên đã góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội. Các tiêu chí nông thôn mới, các quy định, hương ước đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hình thành và phát triển các nhu cầu văn hoá, tinh thần của nhân dân, tạo ra những chuẩn mực văn hóa, xây dựng môi trường, nếp sống lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Từ thực tiễn trên cho thấy vai trò to lớn của MTTQ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao diện mạo nông thôn miền núi. Đó là bài học về tích cực vận động nhân dân để nhân dân nhận thức, thấy rõ và chủ động tự nguyện phát huy tinh thần, vật chất với phương châm lấy sức dân để lo cho dân. Thông qua vai trò hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và đóng góp ý kiến của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn và khu dân cư. MTTQ và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ tiếp tục xây dựng mô hình điểm. Từ những việc đã làm được, mô hình hay đã thực hiện đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình tạo niềm tin trong nhân dân.