DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tự quản để thoát nghèo

17/02/2011 00:00
Đảng ủy xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc đã xây dựng mô hình “Tổ tự quản” và đề ra nghị quyết về việc “phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình” nhằm góp phần đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân kịp thời.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một trong những yếu tố giúp Đồng Chum thoát nghèo

Đảng ủy xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình đã xây dựng mô hình “Tổ tự quản” và đề ra nghị quyết về việc “phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình” nhằm góp phần đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân kịp thời.

Đồng Chum là 1/16 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, cách trung tâm huyện hơn 70 km, có 9 xóm, trong đó có tới 3 xóm cách trung tâm xã 6-10 km, địa hình cách trở nhiều với nhiều đồi núi cao, khe suối. Trước đây, tình trạng thiếu đói xảy ra thường xuyên, Đồng Chum từng là điểm nóng khai thác rừng và liên tục bất ổn về an ninh trật tự. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Đồng Chum đã ra nghị quyết về xây dựng và triển khai mô hình “Tổ, nhóm tự quản”, đề ra chủ trương phân chia các hộ gia đình  thành từng tổ, từng nhóm và lựa chọn những đảng viên vừa có uy tín, khả năng vận động quần chúng, vừa biết làm kinh tế trực tiếp phụ trách nhóm hộ, nhất là những hộ nghèo. Theo đó, toàn xã đã thành lập 64 tổ gia đình tự quản, mỗi tổ từ 5 đến 10 hộ và phân công 64 đảng viên trực tiếp giúp đỡ các tổ tự quản.

Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Chum Lường Văn Phón cho biết, để thực hiện mô hình tổ tự quản, những đảng viên phải là người làm trước. Đảng viên có làm được thì dân mới nghe, mới làm theo. Để tuyên truyền về xóa đói, giảm nghèo, mọi đảng viên đều gương mẫu đi đầu, tích cực chủ động tham gia chuyển đổi từ sản xuất 1 vụ sang 2 vụ/năm nhằm tận dụng hết tiềm năng đất đai trong xã; vận động nhân dân trong các tổ tự quản thực hiện theo nghị quyết của các cấp ủy Đảng và kế hoạch hoạt động của chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, các chi bộ và trực tiếp là những người đảng viên được phân công phụ trách các tổ tự quản ở Đồng Chum đã thực sự là những hạt nhân trong việc đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự ở thôn xóm.

Để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từ tổ tự quản, các hộ đã cùng nhau bàn bạc, trao đổi cách làm ăn, hộ nào gặp khó khăn về giống, vốn, sức lao động các thành viên trong tổ lại hợp nhau chung sức giúp đỡ. Bên cạnh đó, các tổ tự quản cũng được đầu tư vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Bằng sự chung sức chung lòng, mỗi năm toàn xã mở rộng diện tích trồng ngô lên gần 500 ha, với năng suất bình quân đạt hơn 40 tạ/ha cùng với hàng trăm ha sắn, luồng. Chăn nuôi phát triển mạnh với tổng đàn gia súc đạt gần 3.000 con,  đàn gia cầm phát triển hơn 10.000 con. Nhờ đó, đời sống của người dân trong xã đã được cải thiện và từng bước nâng cao với bình quân lương thực đạt 500 kg/người/năm, thu nhập đầu người đạt hơn 5 triệu đồng/người/năm.

Cùng với việc tự quản giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, các đảng viên cũng là người đi đầu trong việc giữ gìn an ninh trật tự của địa phương. Tại các tổ tự quản, những hộ gia đình ký cam kết thực hiện quy ước, hương ước của xóm với quy định nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị khiển trách tại những cuộc họp khu dân cư và không được tham gia các hoạt động ở cơ sở như vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... đã góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân và mỗi hộ gia đình trong mọi hoạt động theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Qua hơn 5 năm triển khai mô hình “Tổ, nhóm tự quản”, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, an ninh, trật tự được giữ vững; trên địa bàn xã không còn nạn trộm cắp, không có người nghiện ma túy. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã ngày càng gần gũi và có uy tín với dân. Đến nay, đã có 6/9 bản ở Đồng Chum được rút ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.