DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Triển khai thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030 trên địa bàn tỉnh

06/12/2022 00:00
Theo Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 27/10/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Trong Đề án tỉnh Hòa Bình được quy hoạch phát triển cây cam, bưởi. Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong Đề án, ngày 1/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2114/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030.
Theo Đề án phát triển cây chủ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Hòa Bình được quy hoạch phát triển cây cam và bưởi.

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại các Quyết định đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, là: Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 19/5/2021 về việc ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Quyếtđịnh số 513/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đối với cây cam, cây bưởi, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về tái canh cây ăn quả có múi; đối với cây ăn quả khác, căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương để định hướng phát triển các loại cây có thế mạnh, có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất. Cụ thể, trồng cây chuối tập trung tại huyện Lương Sơn, thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Thủy, huyện Kim Bôi và khu vực bãi bồi ven sông; cây nhãn trồng tập trung phát triển tại những vùng tại huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thủy; cây mít trồng chủ yếu trong diện tích vườn nhà, kết hợp cải tạo vườn tạp; cây na phát triển ở những vùng đất có địa hình trên núi đá vôi, đá phong hóa, chủ yếu tại huyện Lạc Thủy, huyện Lương Sơn, một phần ở huyện Cao Phong, thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc; cây dứa, cây chanh leo được định hướng phát triển các vùng huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; cây ăn quả ôn đới như đào, mận tập trung ở các xã vùng cao của các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn.

Các địa phương sử dụng cơ sở dữ liệu về phân hạng thích nghi đất để lựa chọn loại cây. Đồng thời lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội đang được triển khai như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả theo quan điểm hình thành những vùng trồng lớn, đảm bảo nguồn cung đồng đều về chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Tổ chức sản xuất cần gắn doanh nghiệp, Hợp tác xã là nòng cốt, trung tâm liên kết với người sản xuất, với hoạt động logicstics và tiêu thụ sản phẩm. Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để điều phối, bố trí nguồn vốn khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm  trong sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung nhằm đảm bảo chất lượng; hỗ trợ hoạt động cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo các điều kiện, yêu cầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sở Công Thương tổ chức thực hiện tốt Đề án. Xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức tốt các hoạt động quảng bá, chương trình kết nối cung cầu tại thị trường trong nước và xuất khẩu; tiếp cận và thiết lập các kênh phân phối và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các trung tâm thương mại, siêu thị, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và tổ chức các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản của tỉnh tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống các sàn thương mại điện tử,...

Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện tốt các nội dung của Đề án. Hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tổ chức hiệu quả các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm chất lượng, thương hiệu nông sản, đặc biệt là những sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhẫn hiệu tập thể, các khu vực đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu./.