Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu các tiêu chí, chỉ số thành phần được sử dụng để đánh giá chỉ số “Cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật” nói riêng và “Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) nói chung; đẩy mạnh phổ biến và chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 01/3/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 30/3/2018 về tăng cường công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Chú trọng tổng kết việc thi hành pháp luật, khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có vướng mắc, bất cập, không khả thi, thiếu rõ ràng, chưa có quy phạm điều chỉnh, nhất là các quy định liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan tâm tổ chức tốt việc lấy ý kiến của các chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động, việc đánh giá tác động của chính sách trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng kịp thời, đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luậtquy định chi tiết văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
Xác định rõ và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành. Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới lợi ích của người dân, của doanh nghiệp; lĩnh vực trọng tâm liên ngành theo chỉ đạo, định hướng của cơ quan Nhà nước cấp trên, trên cơ sở xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật.
Quan tâm bố trí cán bộ, công chức có năng lực làm công tác pháp chế, xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật. Ưu tiên bảo đảm kinh phí cho hoạt động rà soát, kiểm tra, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại các cơ quan, đơn vị. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật về Ủy ban nhân dân tỉnh. Thời hạn gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 15/5, báo cáo năm trước ngày 15/11 hàng năm. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật và tổng hợp, xây dựng báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Tư pháp theo quy định./.