DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh

22/03/2023 16:25
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13- CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết sát với tình hình thực tế địa phương.
Tích cực trồng rừng gắn với bảo vệ và phát huy giá trị kinh tế rừng giúp phát triển bền vững

Giai đoạn 2011 – 2016, theo báo cáo thực hiện Dự án điều tra kiểm kê rừng tỉnh Hòa Bình trong 2 năm 2015-2016, tổng diện tích rừng của tỉnh Hòa Bình là trên 234 nghìn ha, trong đó trên 158 ha rừng tự nhiên, 76 ha rừng trồng; tổng diện tích chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là trên 112 ha. Theo báo cáo mới nhất về hiện trạng rừng được tổng hợp đến 31/12/2022, tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh là trên 297 nghìn ha, trong đó rừng đặc dụng trên 40 nghìn ha, rừng phòng hộ 108 nghìn ha, rừng sản xuất 149 nghìn ha. Giai đoạn 2011-2016 công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng có sự chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước, góp phần nâng cao độ che phủ rừng trên toàn tỉnh từ mức bình quân 42,76% giai đoạn 2006-2010 lên mức bình quân 49,32% giai đoạn 2011- 2016, tăng hơn 6,56% so với giai đoạn 2006 - 2010 (bình quân đạt 42,76%); giai đoạn 2017- 2022  an ninh rừng tiếp tục được giữ vững, độ che phủ rừng đạt bình quân trên 51% (năm 2017 đạt 51,1%; năm 2022 đạt 51,5%). Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần. Không có điểm nóng về khai thác, vận chuyển chế biến rừng; an ninh rừng được giữ vững.

Công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, mô hình sản xuất rừng thâm canh được nhân rộng. Từ năm 2011 đến 2016 toàn tỉnh Hòa Bình trồng được khoảng 48.995 ha rừng tập trung; bình quân khoảng 8.000 ha/năm, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất. Việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư trong điều kiện hiện trường trồng rừng còn lại thường manh mún, ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện về đường xá giao thông đi lại không thuận lợi. Bằng nhiều cơ chế, chính sách và sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, diện tích rừng toàn tỉnh tiếp tục tăng lên, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

Dù đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng ngành lâm nghiệp tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Ở một vài nơi vẫn còn hiện tượng người dân phát vén rừng làm rẫy; hiện tượng khai thác gỗ và lâm sản trái phép còn xảy ra; rừng được bảo vệ chưa thực sự triệt để, tuy không mất rừng nhưng chất lượng rừng tự nhiên tăng chậm. Kết quả phát triển rừng không đồng đều giữa các vùng; chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên vẫn còn suy giảm ở một số địa phương...Chưa phát triển được mô hình sản xuất lâm nghiệp quy mô tập trung, chuyên nghiệp với trình độ kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Do vậy nhìn chung, giá trị thu nhập từ rừng còn khá thấp so với bình quân chung cả nước và khu vực (trung bình 8 - 10 triệu đồng/ha/năm; bình quân 50 - 60 triệu/ha/chu kỳ khai thác 5 - 7 năm); người dân vẫn chưa sống được bằng nghề rừng. Ngoài năng xuất thấp thì chất lượng gỗ rừng trồng khai thác rất thấp dẫn đến chưa thu hút được doanh nghiệp quy mô lớn đưa vốn và tư duy thị trường vào sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt chưa có các nhà đầu tư theo mô hình chế biến gỗ tinh chế (đồ mộc xuất khẩu) vào đầu tư; chưa tạo được chuỗi sản xuất sản phẩm trong lâm nghiệp.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ rừng và làm giàu từ kinh tế rừng. Độ che phủ rừng ổn định ở mức trên 51%. Tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giảm; không có các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; các vụ cháy rừng được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hạn chế được thiệt hại đáng kể. Trong giai đoạn qua tỉnh đã kiện toàn 17 Ban quản lý bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Lực lượng kiểm lâm được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Các vụ phá rừng với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng không còn xảy ra. Số vụ vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng giảm mạnh, cháy rừng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra. An ninh rừng trên địa bàn tỉnh được giữ vững, độ che phủ của rừng được duy trì ổn định từ 51% trở lên. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Các cơ sở chế biến chấp hành tốt quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản...

Nhờ thực hiện quản lý chặt chẽ, trong những năm gần đây, số vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp năm sau giảm so với năm trước: năm 2017 phát hiện và xử lý 80 vụ, năm 2018 phát hiện và xử lý 48, năm 2019 phát hiện và xử lý 47, năm 2020 phát hiện và xử lý 60 vụ, năm 2021 phát hiện và xử lý 38 vụ; năm 2022 phát hiện và xử lý 35 vụ. Các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng quy định của pháp luật, có tính răn đe, không xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.

Từ khi Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghị quyết 71/NQ-CP được ban hành chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền được chú trọng; nhờ đó nhận thức về trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác quản lý bảo vệ rừng đã chuyển biến rõ nét, góp phần tích cực vào công cuộc xã hội hóa nghề rừng nhằm phục hồi rừng, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở cơ sở ngày càng được củng cố và gắn chặt, thông qua sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và ngành. An ninh rừng được giữ vững không có điểm nóng về phá rừng, cháy rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng cần tập trung mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đưa ra các giải pháp phù hợp, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tập trung bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; giữ vững an ninh rừng, duy trì ổn định độ che phủ của rừng của tỉnh từ 51,5 % trở lên. Sử dụng hợp lý, hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp bảo vệ tốt môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của quần chúng nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, quan tâm đầu tư phát triển du lịch sinh thái; xây dựng các cơ chế chính sách để người dân ngày càng được hưởng lợi từ tài nguyên rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng./.