Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các ngành có liên quan khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định; khẩn trương thực hiện các giải pháp chính sau:
1. Đối với các địa phương đã và đang có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
- Công bố dịch theo quy định của Luật Thú y; Xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức tổng vệ sinh, xử lý lợn bị bệnh, lợn chết, phun thuốc tiêu độc khử trùng; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra khỏi vùng dịch trên địa bàn.
- Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi của địa phương phải phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; khẩn trương tổ chức chống dịch theo đúng các quy định của pháp luật Thú y hiện hành; bố trí kinh phí cho các hoạt động chống dịch trên địa bàn.
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để người dân nhận biết chủ động hợp tác trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó cần nêu rõ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh động vật không lây sang người, nhưng là bệnh mới hiện không có thuốc chữa nếu gia súc mắc bệnh thì tỷ lệ chết là 100% ở tất cả các loại lợn. Nêu rõ các biện pháp xử lý lợn mắc bệnh, mức hỗ trợ của nhà nước đối với lợn nghi mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt cần thực hiện xử lý hành chính các hành vi có nguy cơ làm phát sinh dịch (buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bị bệnh…) theo quy định.
- Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở để kịp thời phát hiện, khai báo và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh; phương tiện, dụng cụ vận chuyển lợn đến nơi giết hủy phải đảm bảo không để rơi vãi chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, máu của lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh ra ngoài môi trường; người, phương tiện, dụng cụ sử dụng cho việc tiêu hủy lợn phải được vệ sinh, sát trùng nhằm đảm bảo không để mầm bệnh phát tán, lây lan.
- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời. Quản lý tốt công tác giết mổ lợn, lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi mới được phép tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm; Hằng ngày báo cáo cụ thể bằng văn bản tình hình dịch Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại địa phương về Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) theo quy định hiện hành.
2. Đối với những địa phương chưa có dịch
- Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh; tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Bố trí kịp thời kinh phí để triển khai ngay các biện pháp bao vây, khoanh vùng, dập dịch theo đề xuất của cơ quan chuyên môn; Rà soát, củng cố hệ thống báo cáo dịch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, bảo đảm chính xác, kịp thời.
- Tăng cường công tác kiểm soát tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm của lợn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Luật Thú y. Tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu trái phép từ các địa phương có dịch vào địa bàn tỉnh Hòa Bình.
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch; về quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động phòng chống bệnh cho đàn lợn nhằm phát triển chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các cơ quan trực thuộc liên quan thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến các xã đang có dịch để chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch và các nơi có nguy cơ cao để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp chống dịch bệnh động vật tại cơ sở theo đúng các quy định hiện hành; Phối hợp với các phòng ban chức năng của các địa phương, kiểm tra đôn đốc việc triển khai, thực hiện các biện pháp bao vây, khoanh vùng, dập dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh, hướng dẫn, cung ứng trang thiết bị, vật tư, nhân lực để thực hiện chống dịch đảm bảo hiệu quả.
Yêu cầu Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện./.