Hiện nay, toàn tỉnh có trên 165 nghìn con trâu, bò, đàn lợn trên 350 nghìn con, gia cầm trên 4 triệu con, đàn dê trên 31 nghìn con. Trên địa bàn tỉnh có 69 cơ sở chăn nuôi gà quy mô lớn, ngoài ra còn có hàng trăm các gia trại chăn nuôi lợn, gà và các con đặc sản khác. Toàn tỉnh có 03 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn, về cơ bản đã cung cấp lượng thức ăn ổn định phục vụ phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh có xảy ra dịch tụ huyết trùng vào tháng 2, 3 tại một số xã của huyện Mai Châu, dịch bệnh lở mồm long móng tại huyện Lạc Thủy. Tuy nhiên các dịch bệnh đã được khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng. Cơ quan chức năng đã chỉ đạo các đơn vị kịp thời tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ vượt kế hoạch đề ra, góp phần đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chốt kiểm dịch duy trì hoạt động tốt, góp phần phát hiện sớm, xử lý, ngăn chặn không cho dịch bệnh từ các địa phương lân cận xâm nhập vào tỉnh.
Công tác quản lý lợn đực giống được quan tâm, chú trọng. Toàn tỉnh có 01 trại lợn ngoại nhập, 8 cơ sở nuôi lợn đực giống trong các trang trại và 6 hộ nuôi lợn đực giống khai thác để thụ tinh nhân tạo. Hiện, toàn tỉnh có tổng số 1.001 con lợn đực giống, trong đó có 841 con đực phối giống trực tiếp và đã có 403(48%) con đã được đeo thẻ tai đánh giá chất lượng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện, sở, ngành đã báo cáo làm rõ thêm tình hình thực tế tại địa phương. Cụ thể: Công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi còn gặp khó khăn do tập quán thả rông trâu, bò chưa được quản lý; công tác quản lý lợn đực giống còn chậm so với tiến độ thực hiện; việc chủ động nguồn giống ở một số địa phương còn gặp khó khăn do kinh phí hạn hẹp; gia súc đang nuôi chủ yếu là giống nhỏ. Trên cơ sở đó, các đơn vị đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ để quy hoạch chăn nuôi quy mô lớn, có hỗ trợ xây dựng chốt kiểm dịch động vật tại các huyện.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý giống vật nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thành ngành quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, các hộ chăn nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp rà soát lại quy hoạch chăn nuôi gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và giữ gìn môi trường nông thôn. Chủ động triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc-xin, kiểm soát giết mổ…phòng tránh dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra và lây lan. Giao Sở KH&ĐT, Sở Tài Chính, Sở NN&PTNT và các địa phương phối hợp đầu tư xây dựng chốt kiểm dịch gia súc, gia cầm tại các huyện, thành phố. Tiến hành kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và quản lý giống vật nuôi các cấp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác chỉ đạo, giám sát của BCĐ các cấp nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để ngành chăn nuôi phát triển./.