Ngày 10/4, Cục Quản lý môi trường- Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình và Ngân hàng thế giới chương trình nước sạch vệ sinh tổ chức Hội nghị chia sẻ kết quả nghiên cứu tạo nhu cầu và phát triển chuỗi cung ứng vệ sinh tại Hòa Bình; đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012- 2015 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2014. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012- 2015 dự và chỉ đạo buổi làm việc.
Năm 2013, tổng kinh phí của Chương mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 3(2012- 2015)(NTP3) là 1,6 tỷ đồng; tiến hành khảo sát thực trạng vệ sinh môi trường tại 26 xã của 8 huyện Kỳ Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Mai Châu để thực hiện các hoạt động can thiệp, các xã còn lại được can thiệp bằng hoạt động truyền thông. Các hoạt động được triển khai thực hiện tại 3 tuyến gồm tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã, tập trung vào tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để triển khai các hoạt động nhằm tạo điều kiện để các hộ nghèo vay vốn xây nhà tiêu hợp vệ sinh; giám sát hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu các nhà tiêu được xây dựng tại các xã triển khai chương trình. Theo khảo sát năm 2013, tại các hộ gia đình có 95,04% hộ có nhà tiêu, nhưng chỉ có 51,62% hộ có NTHVS; có 74,28% số Trạm Y tế xã có NTHVS; 81% số Trạm Y tế xã được cấp nước hợp vệ sinh.
Tuy nhiên qua quá trình tổ chức thực hiện cho thấy nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến Chương trình, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngành Y tế với các Ban ngành liên quan; thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị triển khai thực hiện; hỗ trợ kinh phí cho xây dựng nhà tiêu mẫu của Chương trình quá thấp, nguồn kinh phí được phân bổ thấp và không đúng kế hoạch gây ảnh hưởng đến tiến độ; hoạt động truyền thông chưa thực sự hiệu quả; một số trạm Y tế và UBND xã không có NTHVS nên không làm gương được để người dân làm theo.
Năm 2014, với tổng kinh phí được phân bổ là 1,225 tỷ đồng, Chương trình sẽ được triển khai tại 9 xã của huyện Kim Bôi và 5 xã của huyện Mai Châu, 196 xã còn lại sẽ được can thiệp bằng các hoạt động truyền thông. Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể có 57% hộ gia đình có NTHVS, 95% Trạm Y tế xã ở nông thôn có chương trình nước và NTHVS.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012- 2015 nhấn mạnh Chương trình cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian tới cần phải kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, các cấp cần phải phối hợp với các ngành tốt hơn nữa để thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình. Trên cơ sở những việc đã làm được trong năm 2013, cần lên kế hoạch cụ thể cho năm 2014 và 2015, xây dựng chiến lược dài lâu cho chương trình. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân, sáng tạo thêm nhiều cách tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa bàn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân, có làm điểm và tuyên truyền nêu gương những hộ làm điểm. Vận động nhân dân ưu tiên xây dựng NTHVS; thực hiện Chương trình lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy cao nhất hiệu quả./.