Ngày 10/02, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017. Bộ Trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình.
Năm 2016, Bộ đã chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai đề án: “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn”. Tính đến nay, cả nước có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp lớn Vingroup, Dabaco, Ba Huân, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Hoạt động giám sát an toàn thực phẩm tập trung vào các sản phẩm nông thủy sản tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân, năm 2016: Tỷ lệ mẫu thịt vịt vi phạm chất cấm salbutamol là 6/345 mẫu (chiếm 0,44%), giảm so với năm 2015; tỷ lệ mẫu rau, củ và thịt vi phạm giảm so với năm 2015 (1/1345). Công tác thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp được tăng cường và chuyển mạnh sang thanh, kiểm tra đột xuất, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục lựa chọn là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tăng 10% so với năm 2016; 100% các tỉnh, thành phố phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, năm 2017, cần tậ trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương; tập trung chăm lo, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; chú trọng thực hiện chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông bằng nhiều hình thức để làm thay đổi nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong cán bộ và nhân dân; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững./.