DetailController

Chuyển đổi số

Triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2024

17/05/2024 16:34
Ngày 16/5, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 98/KH-BCĐ về hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Mục tiêu chung là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số của các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc triển khai chuyển đổi số. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể: Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 20/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2024 nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là nguồn lực tạo lập, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, ưu tiên thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể chủ đề chuyển đổi số năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, cụ thể như sau: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương. 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải. 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thành triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, cụ thể: 25 dịch vụ công theo Đề án 06/CP (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022) và 28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC). Hệ thống thông tin báo cáo kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 100% các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động. 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

Yêu cầu: Bám sát thực tiễn, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, tạo bứt phá trong chuyển đổi số gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; đề ra các nhiệm vụ cụ thể để các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp tục phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng đề ra trong Kế hoạch của tỉnh về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề ra giải pháp đột phá để triển khai thực hiện đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024. Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số; các sở, ban, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, kịp thời trong công tác phối hợp triển khai. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; tăng cường công tác kiểm tra, đo lường, giám sát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ.

Các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh trên cơ sở Kế hoạch của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ tại Mục II của Kế hoạch này để cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm triển khai thực hiện hiệu quả đối với các nhiệm vụ được phân công. Quá trình chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ yêu cầu phải gắn kết, đồng bộ thực hiện cùng với các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 24/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Ban hành Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 03/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 20/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2024 và các chương trình, đề án, kế hoạch khác của tỉnh. Phối hợp, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở, ban, ngành, địa phương mình. Chủ động đề xuất với lãnh đạo Ban Chỉ đạo (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) về những nhiệm vụ trọng tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở, ban, ngành, địa phương cần có sự chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc từ Ban Chỉ đạo. Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo./.