DetailController

Giáo dục

Triển khai Cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” tỉnh Hòa Bình năm 2024

23/01/2024 16:30
Cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” tỉnh Hòa Bình năm 2024 được phát động nhằm tuyên truyền sâu rộng về hiến pháp, pháp luật tới học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Đồng thời, phát triển tư duy thực tế về xây dựng và bảo vệ môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện góp phần phòng, chống bạo lực học đường và phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Đối tượng dự thi là: Học sinh phổ thông (bao gồm học sinh các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; trường chuyên, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật; học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên). 

Đối với cấp tiểu học,  Hình thức vẽ tranh cổ động trên khổ giấy A3 không giới hạn về màu sắc, không giới hạn nguyên vật liệu (như bút chì, màu sáp, bút lông...). 

Về chủ đề, Chủ đề 1: Phòng ngừa bạo lực học đường gồm: Khuyến khích hành động đẹp giữ gìn trường học hạnh phúc, an toàn trật tự; môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo lực học đường; Phê bình các hình thức gây bạo lực học đường. 

Chủ đề 2: Phòng ngừa lao động trẻ em gồm: Tuyên truyền về tác hại của lao động trẻ em; Tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đi học nhằm góp phần trang bị tri thức, kỹ năng cho trẻ em hướng tới việc làm bền vững, tương lai tươi sáng. 

Đối với cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông 

Hình thức: Bài thi viết của cá nhân học sinh, chưa từng dự thi tại các cuộc thi khác, chưa được đăng báo, trang tin điện tử hoặc mạng xã hội. Bài viết tham dự Cuộc thi được viết tay hoàn toàn có độ dài tối đa không quá 1.200 từ. 

Về chủ đề, Chủ đề 1: Phòng ngừa bạo lực học đường: Viết về cảm xúc, nhận định bản thân trước hành vi bạo lực học đường gây mất trật tự trường học và sáng kiến, giải pháp, mô hình hay cách thức phòng chống bạo lực học đường, góp phần xây dựng trường học an toàn thân thiện; Viết về 1 câu chuyện phòng ngừa bạo lực học đường, giữ gìn an ninh trật tự trường học mà em tâm đắc; Viết về cảm xúc của bản thân nếu em đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường từ đó đề xuất giải pháp, cách thức ngăn chặn bạo lực học đường; Viết về sáng kiến bản thân với nhà trường trong việc xây dựng trường học hạnh phúc, trường học không bạo lực học đường. 

Chủ đề 2: Phòng ngừa lao động trẻ em: Viết về những tác hại của lao động trẻ em và tầm quan trọng của giáo dục; Viết về 1 câu chuyện về một trường hợp trẻ em tham gia lao động được giúp đỡ quay lại trường học mà em tâm đắc; Viết về sáng kiến, giải pháp, cách thức phòng ngừa lao động trẻ em, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái với quy định của pháp luật và vai trò của các bên liên quan (nhà trường, gia đình, cộng đồng, bản thân trẻ em). 

Số lượng bài tham dự cuộc thi: Mỗi học sinh thực hiện tối đa 01 bài. 

Tác phẩm tham dự cuộc thi phải ghi rõ thông tin cá nhân (ở mặt sau bài thi vẽ hoặc ở trên đầu với bài thi viết): Họ và tên tác giả, giới tính, tên lớp, tên trường, địa chỉ trường, số điện thoại của (tác giả và cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp), địa chỉ email (nếu có). 

Khuyến khích các nhà trường tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho học sinh trong nhà trường về các nội dung liên quan đến phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em và có các tác phẩm tham gia cả hai chủ đề của cuộc thi. 

Xét chọn theo 04 vòng: Vòng cấp trường: Tổ chức thi, chấm và chọn ra 05 bài và xét trao giải (gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Na) gửi về Cơ quan quản lý giáo dục cấp quận/huyện. 

Vòng cấp quận/ huyện: Tổ chức chấm và chọn ra 05 tác phẩm ở mỗi cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở) và xét giải cho mỗi cấp (01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba), lập danh sách gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo. 

Vòng cấp tỉnh: Tổ chức chấm và chọn ra 05 tác phẩm ở mỗi cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) và trao giải cho mỗi cấp (01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba). Sau đó, lập danh sách gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để dự thi vòng cấp Toàn quốc. 

Vòng cấp Toàn quốc: Tổ chức chấm và chọn ra 05 bài viết/vẽ ở mỗi cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) và trao giải cho mỗi cấp (01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba). 

Thời gian tổ chức cuộc thi: Từ ngày 01/3/2024 đến 30/6/2024. Phát động Cuộc thi: Dự kiến tuần thứ nhất tháng 3/2024. Thời gian tổng kết: Dự kiến tuần thứ ba tháng 6/2024 

Theo đó, để Cuộc thi triển khai có hiệu quả, các đơn vị, trường học trực thuộc Sở GD&ĐT; các phòng GD&ĐT; các trung tâm GDNN-GDTX thành lập Ban Tổ chức và triển khai Cuộc thi sâu rộng đến toàn thể học sinh, học viên. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho toàn thể học sinh, học viên để Cuộc thi được lan tỏa và thu hút học sinh, học viên dự thi. Học sinh, học viên được tuyên truyền, chủ động, tích cực trong phòng, chống bạo lực học đường góp phần giữ gìn môi trường giáo dục trật tự, an toàn; tự bảo vệ bản thân trước các hành vi bóc lột lao động trẻ em trái pháp luật; xây dựng xã hội hướng tới tương lai tốt đẹp./.