Năm 2013, mưa bão ở khu vực tỉnh Hòa Bình tương đối phù hợp với quy luật nhiều năm. Từ tháng 5 đến nay, các sông suối trong tỉnh chủ yếu xuất hiện lũ vừa và nhỏ, tập trung trên lưu vực sông Bôi. Nắng nóng xuất hiện rất sớm, không quá gay gắt. Tháng 4,5,6 lốc xoáy xuất hiện ở nhiều địa phương làm đổ, tốc mái hàng nghìn nhà dân và các công trình công cộng, hư hại hàng ngàn ha lúa, màu; chìm 3 thuyền máy tại xã Đồng Ruộng, Mưởng Tuổng – Đà Bắc, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân. Số người chết do thiên tai năm 2013 là 07 người (06 người chết do lũ cuốn trôi; 01 người chết do sét đánh); 12 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 2721 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Thiên tai đã làm hư hại nhiều diện tích lúa và hoa màu, trong đó giảm năng suất trên 70% là 580,4ha, giảm năng suất lúa từ 30-70% là 2156,9ha; cây ăn quả, công nghiệp bị hư hại 118,9ha, làm chết 2 con trâu và trên 200 con gia cầm và hư hỏng một số công trình thủy lợi. Mưa lũ cũng gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều tuyến đường giao thông nội tỉnh. Ước tính tổng giá trị thiệt hại về vật chất do thiên tai gây ra năm 2013 trên địa bàn tỉnh khoảng 58,3 tỷ đồng.
Năm 2013, các địa phương và các ngành kiện toàn BCH PCLB và xây dựng phương án đảm bảo phương tiện, lực lượng, vật tư, hậu cần sẵn sàng đối phó với mùa mưa bão. Tổ chức kiểm tra tình trạng các công trình hồ chứa nước, đê điều trên địa bàn tỉnh, kiểm tra các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở và xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Duy trì công tác thường trực 24/24h từ ngày 05/5 đến ngày 30/11 hằng năm, các ngày còn lại trong năm vẫn bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi và nắm bắt thông tin, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo khi có tình huống xảy ra. Ngay sau mưa bão, các thành viên tổ công tác phối hợp với các ngành liên quan đi kiểm tra, đánh giá tình hình thiên tai tại các địa phương đồng thời triển khai các phương án khắc phục như huy động nhân lực, vật tư, phương tiện máy thi công tập trung khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đã đạt được của từng địa phương, đơn vị đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất một số kiến nghị. Trong đó, hội nghị chỉ ra một số hạn chế trong công tác PCLB&TKCN như: chưa làm tốt công tác thông tin, cáo cáo; lực lượng cán bộ làm công tác PCLB thiếu, ít kinh nghiệm; công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai cho cộng đồng chưa được chú trọng; thiếu hệ thống, phương tiện, kinh phí…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị, đề xuất của các đại biểu. Năm 2014 dự báo lượng mưa sẽ lớn hơn, số cơn bão nhiều với mức độ cao hơn, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu các địa phương chú trọng vào các vùng ngập úng thường xuyên. Với phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên, tập trung triển khai thực hiện một số công việc: kiện toàn, củng cố BCH phòng chống thiên tai, xây dựng phương án chi tiết theo cấp, ngành mình quản lý; rà soát, xác định chính xác từng khu vực trọng điểm xung yếu, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, có phương án bố trí lực lượng và phân bổ kinh phí cụ thể, sát với thực tế và điều kiện của từng địa phương; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ phòng chống thiên tai, chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời trong các trường hợp ứng cứu; tập trung đầu tư, thi công hoàn thành các công trình giao thông chính, các hồ chứa đang dang dở nhằm chủ động phòng tránh thiên tai và phát huy hiệu quả phòng, chống lũ của công trình.
Trong năm 2013, với các kết quả đạt được, Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc và đồng chí Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT được nhận bằng khen của BCH PCLB&TKCN Trung ương.